Khơi dòng vốn tư nhân

ANTĐ - Trong nỗ lực tìm nguồn lực cho phát triển và thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi các nước thành viên cần tập trung tìm kiếm nguồn tài chính tư nhân, thúc đẩy thương mại quốc tế để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. 

Mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở châu Phi đang rất cần những người đầu tư

Phát biểu khai mạc Đối thoại cấp cao về tài chính cho phát triển, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 68, ông J. Ashe đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần gia tăng nỗ lực huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là các nguồn tài chính tư nhân, nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ tới năm 2015 (MDGs), đặt nền móng cho chương trình phát triển sau đó. 

Không phải ngẫu nhiên mà ông J. Ashe kêu gọi như vậy. Nhiều thập kỷ qua, ở các nước đang phát triển, nguồn viện trợ ODA có vai trò sống còn đối với tăng trưởng và tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Thế nhưng, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nguồn vốn ODA từ các nước phát triển đã giảm 4% trong năm ngoái do nhiều quốc gia cắt giảm ngân sách vì ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. 

Các con số thống kê cho thấy trong năm 2012, viện trợ ODA từ các nước thành viên của câu lạc bộ các nước giàu có thuộc Ủy ban Hỗ trợ phát triển (DAC) của OECD đạt 125,7 tỷ USD, chiếm 0,29% tổng thu nhập quốc dân (GNI) của những nước này cộng lại, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà LHQ đề ra là 0,7%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tổng nguồn viện trợ suy giảm. Nhiều nước trong Liên minh châu Âu trước đây là những nhà tài trợ lớn nhưng nay đã cắt giảm mạnh viện trợ như Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland. 

Xu hướng này đương nhiên tác động tiêu cực đến các nước đang phát triển, buộc người ta phải tính đến nguồn bù đắp lại sự sụt giảm này. Chính vì thế trong báo cáo do Vụ kinh tế và các vấn đề xã hội LHQ (DESA) công bố vào tháng 7 vừa qua, LHQ đã đề xuất một loạt các cơ chế tài chính nhằm đạt mục tiêu huy động khoảng 400 tỷ USD hàng năm cho nhu cầu phát triển trong tình hình nguồn vốn ODA đang suy giảm do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, nguồn vốn tư nhân sẽ là sự thay thế cần thiết. Theo các chuyên gia tài chính, thị trường vốn quốc tế rất lớn và còn khá dồi dào. Tuy nhiên, tiếp cận với nguồn vốn này thế nào lại không dễ dàng. Các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đầu tư dài hạn. Vì thế, họ luôn đánh giá cao các doanh nghiệp minh bạch thông tin bao gồm cả tin tốt và tin xấu để nhà đầu tư có những quyết định và ước định được rủi ro khi tham gia đầu tư. 

Muốn tạo được niềm tin, các doanh nghiệp không có cách nào khác là phải chứng minh được giá trị và uy tín của mình. Theo các chuyên gia kinh tế, để thành công khi huy động vốn từ thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm về thông tin công bố, báo cáo kế hoạch kinh doanh, tái cơ cấu tài chính, nhân sự, dự án để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao, phải trao đổi thường xuyên với nhà đầu tư nước ngoài để họ nắm bắt, hiểu rõ doanh nghiệp, từng bước xây dựng niềm tin. 

Nói tóm lại, công đoạn mà các nước muốn vay tiền cần thực hiện phải được sắp xếp theo cách mà nhà đầu tư quốc tế nhìn nhận là minh bạch, phù hợp với nhà đầu tư tại thị trường mình cần huy động vốn. Chỉ có vậy thì dòng đầu tư tư nhân mới chịu chảy.