Khởi động mô hình mới tài trợ cho khoa học
(ANTĐ) - Ngày 22-12-2008, Bộ Khoa học Công nghệ đã ra Quyết định về việc áp dụng thí điểm phương thức lập dự toán kinh phí đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) tài trợ.
Theo đó, các nghiên cứu cơ bản thuộc các ngành khoa học tự nhiên như toán học, khoa học vật lý và thiên văn, hóa học, tin học, cơ học,... sẽ là đối tượng được tài trợ trong chương trình này. Đây là đợt xét chọn và tài trợ nghiên cứu cơ bản đầu tiên do Nafosted triển khai từ khi thành lập.
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia chính thức đi vào hoạt động (2-2008) được coi là một bước tiến đột phá trong quá trình đổi mới công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN).
Trên thế giới mô hình này đã được phát triển từ rất lâu: ở Mỹ, Quỹ Khoa học NSF được thành lập năm 1950, Thụy Sỹ năm 1952, các nước đang phát triển như Trung Quốc, ấn Độ cũng thành lập Quỹ khoa học quốc gia của họ từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Nafosted cho biết: Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức các hoạt động KH&CN theo mô hình quỹ.
Từ trước tới nay, hình thức cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động KH&CN mang tính hành chính và kế hoạch hóa rất cao (Nhà nước cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu KH&CN theo kế hoạch của các Bộ ngành và được triển khai dưới dạng các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, các nhiệm vụ nghiên cứu cấp Bộ, cấp cơ sở).
Với mô hình quỹ, phương thức tài trợ sẽ chủ động hơn, ít mang tính kế hoạch hóa, Chính phủ để ra một khoản kinh phí ngân sách (không dưới 200 tỷ đồng/năm) để Quỹ tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu không thuộc các vấn đề KH&CN chiến lược.
Nhờ đó, các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ nhiều tiềm năng vốn khó có cơ hội tiếp cận và tham gia vào các chương trình KH&CN trọng điểm của Nhà nước thì nay coi Quỹ là cơ hội để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu lâu dài và liên tục. Như vậy, khả năng tiếp cận nguồn tài trợ tại Quỹ là như nhau với tất cả các nhà khoa học.
Hoạt động của Quỹ bao gồm hai chức năng: Tài trợ và cho vay. Với hình thức tài trợ gồm có tài trợ không hoàn lại 100% hoặc tài trợ một phần cho nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực, các nhiệm vụ KH&CN đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn; các nhiệm vụ KH&CN có triển vọng nhưng có tính rủi ro; nhập khẩu các công nghệ có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng mà trong nước chưa tạo ra được...; tài trợ một phần cho các dự án sản xuất thử nghiệm không nằm trong kế hoạch phát triển KHCN của Nhà nước, các nhiệm vụ KH&CN thuộc hướng KH&CN ưu tiên...
Với hình thức cho vay thì không lấy lãi đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước; mức lãi suất thấp đối với các dự án đổi mới công nghệ, chú trọng đến công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao...
Trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục công bố các chương trình tài trợ khác nhau như nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn, hỗ trợ nghiên cứu của doanh nghiệp, nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học đột xuất phát sinh...
Tuy nhiên, việc đưa vào vận hành một phương thức mới bao giờ cũng gặp những khó khăn nhất định. Theo ông Phan Hồng Sơn, khó khăn lớn nhất của Quỹ hiện nay là việc xây dựng và thông qua được hệ thống các văn bản quy phạm làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động của Quỹ theo hướng đổi mới phương thức tổ chức và quản lý hoạt động KH&CN.
Nếu hoạt động của Quỹ vẫn phải tuân theo tất cả những quy định quản lý sẵn có thì e rằng những ý tưởng đổi mới trong hoạt động của Quỹ sẽ khó có thể thực hiện được và khi đó sẽ không tránh khỏi đường mòn cũ với những bất cập đã được nhìn thấy trước.
Ví dụ, các nhà khoa học vẫn phàn nàn là các quy trình thủ tục sử dụng kinh phí cho những đề tài nghiên cứu là rất phức tạp và phiền hà. Nay muốn đổi mới theo cách các nước thế giới vẫn làm nhằm khắc phục những bất cập đã được chỉ ra thì cần phải đề ra những quy trình mới về tài chính cho khoa học và thuyết phục các cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận.
Quyết định áp dụng thí điểm phương thức lập dự toán kinh phí đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN của Chính phủ.
Hà Loan