Khổ vì trông trẻ trong “mùa” sởi

ANTĐ - Gần 1 tuần nay,  cả nhà anh Nguyễn Đức Cường, ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội luôn trong tình trạng căng như dây đàn. Nguyên nhân là do cậu con trai 4 tuổi của anh Cường có hiện tượng  ho, sốt phát ban nghi mắc sởi nên phải ở nhà theo dõi.

Nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện do bệnh sởi

Ở nhà tránh sởi

Từ hôm con sốt, anh Cường thường xuyên đọc các thông tin liên quan đến dịch sởi và vô cùng lo lắng khi thấy hầu hết các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải và số lượng bệnh nhi chết vì sởi khá nhiều. Ban đầu, anh Cường định cho con đến bệnh viện Nhi Trung ương khám để làm rõ nguyên nhân nhưng sợ con bị lây nhiễm nên đành để ở nhà, mời bác sỹ đến khám, điều trị. Cũng theo anh Cường, lần sốt này của con anh không khác nhiều so với những lần bị viêm họng trước với các biểu hiệu như sốt cao, sau đó phát ban, cho uống thuốc kháng sinh thì cháu giảm sốt, vết ban lặn dần. “Sau khi cháu dứt sốt, ăn uống bình thường, tôi định cho con đi học trở lại thì vợ tôi nhất định không đồng ý, sợ cháu vừa ốm dậy, dễ lây sởi từ bên ngoài. Do vậy, vợ chồng tôi phải cắt cử người thay nhau ở nhà trông cháu, thậm chí còn nhờ ông bà ở quê lên trông giúp. Đúng là trong tình cảnh này cho con đi học thì lo mà để ở nhà cũng khổ” - anh Cường thở dài.

Cũng trong tình trạng tương tự, từ khi dịch sởi hoành hành, chị Vũ Thanh Xuân, ở  phố Linh Lang, quận Ba Đình quyết định cho con gái hơn 2 tuổi nghỉ học dù bé đã được tiêm phòng sởi 2 mũi. Do công việc khá bận rộn, nhà lại neo người nên chị Xuân đã gọi điện nhờ bạn bè và đến các trung tâm giới thiệu việc làm thuê người giúp việc theo ngày. Tuy vậy, cái giá mà các trung tâm này đưa ra khiến chị Xuân mất ăn mất ngủ. Lấy lý do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu của người dân về người giúp việc tăng mạnh nên giá thuê người giúp việc tăng vọt. “Họ nói do dịch sởi bùng phát, người đi làm giúp việc ngày càng giảm nên giá thuê theo ngày là 250.000 đồng/ngày, nếu không đăng ký nhanh sẽ không thuê được. Lương tôi đi làm không đủ trả tiền người giúp việc, nhưng cũng đành chấp nhận vì không còn cách nào khác. Chỉ mong dịch bệnh chóng qua để nhà nhà bớt khổ” – chị Xuân chia sẻ.

Dịch sởi cũng tạo cơ hội cho một số người giúp việc hám lợi “nhảy” việc. Họ sẵn sàng bỏ việc ở nhà này đến nơi khác để được trả lương cao hơn hoặc đưa ra các yêu sách ép gia chủ tăng lương. Một số cá nhân còn đăng tin nhận giữ trẻ tại nhà với số lượng từ 2 đến 5 cháu. Do giá cả phải chăng, số trẻ được trông giữ không đông, nguy cơ lây bệnh thấp hơn ở trường nên đây là phương án lựa chọn của khá nhiều bậc phụ huynh.

Không nên lo lắng quá!

Có thể nói từ khi dịch sởi bùng phát tại Hà Nội, số lượng trẻ chủ yếu trong độ tuổi mầm non được các gia đình cho nghỉ học khá nhiều. Bà Nguyễn Thu Thùy - hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Tây Hồ cho biết, rất nhiều bé trong độ tuổi từ 1 tuổi rưỡi đến 3 tuổi được các gia đình cho nghỉ ở nhà, mặc dù trong số đó có rất ít cháu bị sốt và chưa có cháu nào mắc sởi. “Lo lắng của các phụ huynh về dịch sởi là chính đáng và nhà trường rất thông cảm. Tuy vậy, những trẻ khỏe mạnh nghỉ ở nhà dài ngày không chỉ ảnh hưởng đến nề nếp của các cháu, khiến các cháu phải mất một thời gian bắt nhịp trở lại, mà còn làm đảo lộn sinh hoạt của các gia đình. Do đó, với những trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ, không có biểu hiện ốm, sốt, bố mẹ nên cho các cháu quay lại trường sớm để đảm bảo việc học tập” - bà Thùy khuyên.

Dịch sởi diễn biến phức tạp cũng tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi. Từ thông tin việc cho trẻ uống nước, tắm nước nấu với hạt mùi có tác dụng phòng chống sởi nên giá của mặt hàng này tăng lên khá nhanh. Từ 70-100.000 đồng/kg, giá hiện đã được đẩy lên cao gấp 2, 3 lần. Bên cạnh đó, các bài thuốc truyền miệng điều trị bệnh sởi cũng được lan truyền nhanh chóng trên các diễn đàn. 

Về cách phòng và điều trị bệnh sởi, bác sỹ Vũ Minh Hiếu - Bệnh viện E cho rằng, với thể sởi lành tính, các gia đình nên cho trẻ điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, cần cách ly trẻ tại phòng riêng, vệ sinh da, răng, miệng, mắt thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn. Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ chất và không tùy tiện dùng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi. Chỉ khi trẻ bị viêm tai giữa, viêm phổi…do bội nhiễm vi khuẩn mới cho dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của thầy thuốc. Các bậc phụ huynh cũng cần theo dõi thân nhiệt trẻ hàng ngày, khi nốt phát ban hết mà trẻ vẫn sốt cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Điều quan trọng nhất cha mẹ cần nhớ là, việc điều trị sởi cho trẻ phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ, không nên tự ý sử dụng các bài thuốc truyền miệng, tránh những rủi ro không đáng có.