Khó như xử lý nồng độ cồn, muôn kiểu chống đối của người vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bình thường, xử lý vi phạm giao thông đã gặp nhiều trường hợp “khó đỡ”, vậy nhưng đến khi xử lý nồng độ cồn mới thấy công việc của những chiến sĩ CSGT gian nan đến thế nào. Muôn kiểu chống đối, thách thức khiến cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm.

1.001 kiểu chống đối khi bị xử lý nồng độ cồn

"Tôi uống rượu chứ có gây tai nạn đâu mà các anh xử lý? Vi phạm thì xử lý, chứ sao phải nói nhiều?” - Người đàn ông tên Nguyễn Đ.V, SN 1952, trú tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) liên tục quát to khi được cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng đề nghị hợp tác do người này vi phạm nồng độ cồn ở mức 0.329mg/l khí thở.

Trong lúc có những lời nói không đúng chuẩn mực, hơi thở người này phả ra hơi men nồng nặc. Có thể nếu bình thường, đây sẽ là một người đàn ông có cách cư xử rất đàng hoàng, dễ chịu, dễ gây thiện cảm bởi khuôn mặt khá hiền lành theo như quan sát của phóng viên An ninh Thủ đô. Tuy nhiên, do đã quá chén nên từ lời nói, hành vi đều khiến người xung quanh ngán ngẩm.

Vi phạm nồng độ cồn, người đàn ông này đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực

Vi phạm nồng độ cồn, người đàn ông này đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực

Trước đó, một người đàn ông khác tên Nguyễn M.H, SN 1988, trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội sau khi bị kiểm tra, phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0.271mg/l khí thở thì bạn của người này liền xông vào chốt, cố tình to tiếng, quát tháo và bản thân người này cũng đã có hơi men, song do không điều khiển nên không có căn cứ để xử lý vi phạm và gây khó dễ cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Còn một người đàn ông khác, khi “chiến hữu” bị “thổi cồn” thì đứng ngoài quay clip với chất giọng đã ngà ngà men say và nói rất to, cho rằng lực lượng chức năng đang "làm khó" người vi phạm…

Đây chỉ là một vài những dẫn chứng tiêu biểu mà phóng viên An ninh Thủ đô ghi lại được trong ca xử lý của Đội cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng.

“Có những trường hợp khi thấy chúng tôi làm nhiệm vụ đã vứt xe bỏ chạy vào trong các ngõ, ngách. Chúng tôi phải đưa phương tiện về bàn giao cho Công an phường xác minh và mời chủ sở hữu lên làm việc. Đi làm thực tế sẽ thấy có những tình huống mà không biết nên cười hay khóc. Cán bộ chiến sĩ nếu không kiên trì, mềm mỏng với người vi phạm, sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa” - Đại úy Phạm Đức Ngọc, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - trật tự chia sẻ.

Khá nhiều trường hợp bị lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Hai Bà Trưng kiểm tra, xử lý trong một ca làm việc

Khá nhiều trường hợp bị lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Hai Bà Trưng kiểm tra, xử lý trong một ca làm việc

“Người vi phạm có những lời lẽ, hành vi chống đối hoặc gây cản trở lực lượng làm nhiệm vụ là khó tránh khỏi, bởi khi đã có hơi men, bản thân người ta hoàn toàn không ý thức và làm chủ được, những điều này chúng tôi cũng đã quán triệt với cán bộ chiến sĩ ngay từ khi triển khai kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm giao thông, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của Bộ Công an và Cục CSGT.

Rõ ràng, một người bình thường khi có hơi men cũng có thể dẫn tới lời nói, hành vi lệch chuẩn, điều này đối với chúng tôi là chuyện thường tình, dễ cảm thông. Nhưng càng vì thế càng phải quyết liệt xử lý, bởi nếu họ uống rượu bia mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây va chạm, cũng có thể dẫn tới mâu thuẫn, xô xát hay thậm chí là án mạng trên đường, chưa nói đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” - Thiếu tá Vũ Đình Nhâm, Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho biết.

Không nhân nhượng với bất cứ trường hợp nào

Địa bàn quận Hai Bà Trưng có một số khu vực tập trung hàng quán như Tăng Bạt Hổ - Trần Nhân Tông; Tô Hiến Thành... giao cắt các tuyến Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân; dọc đường Trần Khát Chân cắt Kim Ngưu.

Tuy nhiên, vì là quận trung tâm Hà Nội nên lượng phương tiện đi lại đông đúc, tuyến phố nhỏ hẹp, nhiều ngõ ngách lối rẽ. Do vậy, nếu không có biện pháp triển khai phù hợp có thể gây ảnh hưởng việc đi lại của người tham gia giao thông, hoặc người vi phạm sẽ tìm cách di chuyển theo các lối ngõ ngách để né tránh.

Dù là trường hợp nữ vi phạm nồng độ cồn, cũng kiên quyết xử lý không nhân nhượng

Dù là trường hợp nữ vi phạm nồng độ cồn, cũng kiên quyết xử lý không nhân nhượng

Thời gian qua, triển khai đợt cao điểm, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Hai Bà Trưng đã tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, bố trí các tổ công tác cắm chốt vào các khung giờ và địa điểm phù hợp. Mỗi tổ gồm 8-10 đồng chí. Để đạt hiệu quả cao nhất, các tổ công tác này cử cán bộ chiến sĩ mặc thường phục làm nhiệm vụ trinh sát, khi phát hiện người tham gia giao thông có biểu hiện nghi vấn vi phạm nồng độ cồn sẽ báo qua bộ đàm.

Khi đó, lực lượng cắm chốt dừng xe để kiểm tra, hoặc các tổ tuần tra kiểm soát công khai trực tiếp đo nồng độ cồn và đưa người vi phạm về chốt xử lý.

Có không ít trường hợp vi phạm vượt mức kịch khung quy định - "bữa trưa đắt đỏ" chắc có lẽ người này không muốn thử lần thứ 2

Có không ít trường hợp vi phạm vượt mức kịch khung quy định - "bữa trưa đắt đỏ" chắc có lẽ người này không muốn thử lần thứ 2

“Sở dĩ chúng tôi phải triển khai các tổ tuần tra kiểm soát vì giao thông tại các tuyến phố trên địa bàn đông, nên khi nhìn thấy chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm có thể quay đầu bỏ chạy, hoặc di chuyển hướng khác đều không an toàn. Do vậy, các tổ tuần tra này sẽ chặn dừng phương tiện, không để sót lọt” - Thiếu tá Vũ Đình Nhâm thông tin thêm.

Tại thời điểm triển khai công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng, phóng viên An ninh Thủ đô ghi nhận có trường hợp người vi phạm là nữ, một số trường hợp nồng độ cồn đo được vượt quá mức kịch khung theo quy định - 0.4mg/l khí thở. Không ít trong số đó do biết sẽ bị phạt nặng, nên đã “xin", hoặc giới thiệu làm ở sở, ngành nọ để được… linh động.

Tuy nhiên, lực lượng làm nhiệm vụ kiên quyết xử lý, không nhân nhượng bỏ qua bất cứ trường hợp nào và xử lý nghiêm, hoàn toàn không có “vùng cấm”.

Sau 2 tháng triển khai, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng đã xử lý 88 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 12 trường hợp xe chở quá khổ, quá tải, cơi nới kích thước thành thùng; 4 trường hợp vi phạm tốc độ… Tổng xử lý 1.745 trường hợp với các lỗi vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng.

“Vất vả lắm, nhưng điều mà chúng tôi thấy được chính là sự chuyển biến từ ý thức của người dân. Nhiều người giờ đây thay vì nhậu xong điều khiển xe, đã chọn một hình thức di chuyển khác, hoặc những người có thói quen đi hát karaoke sau khi nhậu, khi thấy lực lượng cắm chốt đã gửi phương tiện và đi bộ. Có thể do họ sợ bị phạt, nhưng dù thế nào thì tôi cũng cho rằng đây là sự thay đổi đáng kể” - Đại úy Phạm Đức Ngọc nhìn nhận.

Hiện, Công an quận Hai Bà Trưng là một trong những đơn vị đứng đầu trong việc xử lý các lỗi vi phạm theo Kế hoạch của Bộ Công an và Cục CSGT. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý kết hợp với tuyên truyền mạnh mẽ để dần thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm khi cầm lái.