Khổ như ở ký túc xá

ANTĐ - Vôi vữa trên tường bong tróc, nước sinh hoạt ô nhiễm, chuột chạy khắp phòng, an ninh trật tự không được đảm bảo… đó là những gì mà nhiều sinh viên đang sống trong các khu ký túc xá (KTX) tại Hà Nội phải đối diện hàng ngày.

Thoạt nhìn, sẽ có người tưởng dãy phòng KTX này bị bỏ hoang


Nước sạch ít - chuột  nhiều

Theo chân Thanh Tú (sinh viên năm thứ 3, khoa Dầu khí), tôi tham quan một vòng ký túc xá trường ĐH Mỏ địa chất. Khu KTX ở đây được chia làm hai dãy nhà: D1 dành cho sinh viên nước ngoài và D2 dành cho sinh viên Việt Nam. Nếu ở dãy D1, mỗi phòng chỉ chứa tối đa 4 người thì dãy D2 có từ 6 đến 9 người/phòng.

Khu KTX D2 xây dựng từ hơn 40 năm về trước hiện đang xuống cấp trầm trọng. Cả 5 tầng của dãy nhà đều loang lổ ẩm mốc thảm thương. Hầu hết các cánh cửa phòng trong khu KTX đều đã bị mối mọt ăn rỗng. Có cái còn long cả bản lề, trật ra khỏi tường. Những ô kính trên cánh cửa ra vào cũng như cửa sổ đều đã vỡ từ lâu. Để tránh gió lùa, các bạn sinh viên phải lấy giấy dán lại. “Thỉnh thoảng đi học về mệt mỏi, lại còn thấy những tờ giấy rách, bay phất phơ trong gió chiều. Trông mà nẫu cả ruột!” - Thanh Tú hóm hỉnh chia sẻ.

Sau đó, tôi được Tú mời vào phòng uống nước. Căn phòng tối và ngột ngạt bởi quần áo giăng mắc khắp nơi. Sở dĩ có điều này là bởi nhà trường không thiết kế chỗ phơi quần áo phía sau cho sinh viên khi xây KTX. Mỗi khi giặt giũ xong, các bạn phải phơi quần áo ra dây phơi tự căng trước cửa phòng. Còn những lúc đi học, các bạn lại đem quần áo vào trong phòng phơi vì sợ bị… trộm mất. Cả 4 bức tường của căn phòng đều được dán giấy kín từ sàn đến trần nhà. Loại “giấy dán tường sinh viên” này chỉ có tác dụng ngăn không cho vôi vữa tróc ra từ bức tường rơi xuống đất gây bụi bẩn”. Thùy Linh - bạn cùng phòng với Tú cho biết: “Ở đây, gần như là bọn mình phải sống chung với chuột. Chúng cắn phá đủ thứ: từ mì tôm, sách vở đến sạc điện thoại. Thậm chí, bạn mình đêm ngủ còn bị chuột chui vào màn cắn bật cả máu. Chuột ở cái ký túc xá này vừa nhiều vừa khôn. Mọi người tìm đủ mọi cách để bẫy nhưng đều bó tay”.

Việc tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ… của các sinh viên sống trong khu KTX D2 của trường ĐH Mỏ địa chất cũng vô cùng bất tiện. Cứ hai phòng sinh hoạt chung nhau một phòng tắm - nhà vệ sinh ở phía sau. Phòng tắm và nhà vệ sinh vừa cũ vừa bé mà phải “tải” đến gần 20 người.

Ở một số trường như: ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, CĐ Truyền hình, ĐH Mỏ địa chất, tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm cũng khiến nhiều sinh viên lâm vào cảnh khốn khổ. Nước sinh hoạt ở đây có màu vàng đục. Thậm chí, nước ở một số khu KTX khác còn có cả… giun đỏ và bọ gậy. 

Sống chung với trộm

Có cơ sở vật chất khá tốt nhưng trường ĐH Lao động Xã hội cơ sở 2 lại là một điểm nóng về an ninh trật tự. Các sinh viên ở đây thường xuyên phải chịu cảnh “sống chung với trộm”. Các bạn cho biết: Trộm khu vực này thường là những con nghiện ma túy. Chúng còn “nghiên cứu” cả lịch học của sinh viên chọn thời điểm ít người trong KTX nhất để hoạt động trộm cắp. Nhiều lúc đi học về, các bạn sinh viên ở đây còn thấy cả những tên xách cần câu tự chế dùng để “câu trộm” điện thoại và ví tiền đi từ trong KTX ra. Thấy vậy nhưng cũng chẳng ai dám làm gì vì mọi người đều biết nhiều tên trong số chúng bị nhiễm HIV. Lê Phúc (sinh viên năm thứ 3 - khoa Quản trị nhân lực) cay đắng kể: “Hồi năm thứ nhất, phòng cậu bạn mình mất điện thoại nhiều quá nên các thành viên đã bày ra cách bắt trộm. Quả đúng tối hôm ấy, có người mở khóa cửa, lẻn vào phòng lục lọi. Lúc cả phòng vùng dậy, bật đèn lên thì nhận ra kẻ trộm là một tay anh chị khét tiếng trong vùng. Thế là chẳng ai dám làm gì vì sợ trả thù”.

Mỗi lần xảy ra những vụ đánh nhau hay mất trộm, dù là lớn hay nhỏ các sinh viên của trường ĐH Lao động Xã hội cơ sở 2 đều trình báo với ban quản lý ký túc. Nhà trường cũng không có thêm biện pháp gì để tăng cường an ninh cũng như siết chặt việc ra vào KTX đối với những người sống bên ngoài trường. Chính vì vậy, các vụ đánh nhau hay mất trộm vẫn thường xuyên xảy ra.

Còn với các bạn sinh viên đang sống trong KTX của ĐH Mỏ địa chất, khi hỏi một bạn sinh viên năm thứ 4 về cảm giác  ở trong một khu KTX xuống cấp như vậy, bạn đã tâm sự: “Cuối năm học nào nhà trường cũng phát bản khảo sát, lấy ý kiến của sinh viên sống trong KTX nhưng rồi cũng chỉ để đấy vì chẳng có gì được sửa chữa hay thay đổi...”.