Khó khăn khi xử lý “sa tặc”

ANTĐ - Chiều 2-10, Thượng tá Khuất Duy Kiều-Trưởng phòng CSGT đường thủy CATP Hà Nội cho biết, tổng kết Tháng An toàn giao thông vừa qua, đơn vị đã xử lý hơn 334 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, trong đó có 29 “sa tặc”, phạt thành tiền hơn 318 triệu đồng. Nhiều điểm “nhạy cảm” về khai thác cát trước kia như ở khu vực chân cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy... nay đã cơ bản vắng bóng “sa tặc”.

CSGT đường thủy hiện vẫn chưa có bến bãi tạm giữ phương tiện

Bên cạnh những mặt đã làm được, hiện vẫn còn nhiều tồn tại vướng mắc. Thống kê của đơn vị cho thấy, hầu hết số đối tượng khai thác cát trái phép vẫn tập trung ở Sơn Tây, Đan Phượng, Gia Lâm trên cả 2 tuyến sông Hồng và sông Đuống thuộc khu vực do Đội CSGT đường thủy số 1 và số 2 phụ trách. Thời điểm hoạt động của số đối tượng này thường vào trưa, chiều tối và rạng sáng. Chúng sử dụng những chiếc thuyền đã được ngụy trang và trang bị máy hút cát có công suất lớn. Số người trên các tàu hút cát đều được chủ tàu thuê từ các địa phương khác. Trình độ văn hóa và nhận thức của họ khá thấp.

Nhiều trường hợp khi bị CSGT đường thủy kiểm tra còn không có giấy tờ tùy thân. Có người còn không biết đọc biết viết. Khi bị CSGT đường thủy xử phạt, các trường hợp trên đều chống đối dưới nhiều hình thức như không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho lực lượng làm nhiệm vụ vào kiểm tra hoặc tắt máy và để phương tiện trôi tự do. Hiện, địa điểm tạm giữ phương tiện thủy vi phạm trên địa bàn TP Hà Nội của CSGT đường thủy vẫn chưa có. Muốn kéo được 1 chiếc tàu vi phạm về 2 cảng tạm là Sơn Tây và Hồng Vân để đảm bảo an toàn, CSGT đường thủy phải mất rất nhiều thời gian và công sức.