Khó kê cho bằng

ANTĐ - Có tới hơn một chục tiêu chí được coi là thước đo đánh giá sự tăng trưởng nền kinh tế của một quốc gia. Nhưng những tiêu chí ấy lại không thể dùng làm “thước đo” về chỉ số phát triển con người (HDI). Mới đây Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo Phát triển con người toàn cầu, trong đó đánh giá và xếp hạng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm có chỉ số HDI trung bình, đứng thứ 128 trong tổng số 187 quốc gia được điều tra.

Chỉ số HDI của Liên hợp quốc dựa trên 3 thành tố: tuổi thọ, giáo dục và mức sống. Trong 30 năm qua, thước đo giá trị HDI của Việt Nam tăng khá ấn tượng tới 37%, song điều phối viên Liên hợp quốc cho hay, sự tiến bộ của nước ta chủ yếu là nhờ tăng trưởng GDP, chứ không phải là do dịch vụ y tế và giáo dục. Theo báo cáo HDI năm 2005 về mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, sự mở rộng “hố” ngăn cách giàu nghèo và sự đảo ngược những thành quả xã hội, thể hiện rất rõ. Một số quốc gia có mức thu nhập thấp nhưng lại đạt được tiến độ đáng kể về những mục tiêu như giảm tỷ lệ hộ đói nghèo, trẻ sơ sinh tử vong, tăng sức mua. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được những mục tiêu thiên niên kỷ rất đáng ghi nhận.

Tuy vậy từ năm 1990-2011, mặc dù nước ta đạt được tốc độ tăng thu nhập đầu người khá ngoạn mục tới hơn 200%, nhưng ở một bình diện khác, những tiến bộ xã hội bao gồm giáo dục và y tế lại không cân bằng và đóng góp ít hơn vào chỉ số HDI. Trong năm 2011, HDI của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của các nước Đông Á và Thái Bình Dương. Báo cao của Liên hợp quốc khuyến cáo, Việt Nam cần phải có chính sách ưu tiên và đầu tư cho phát triển con người tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Đại diện Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc nhận xét, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có chỉ số HDI ngang bằng với một số thành phố lớn ở khu vực. Trong khi đó, các tỉnh nghèo như Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình chỉ đạt HDI như một số nước nghèo ở châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với sự khác biệt về địa lý, vùng miền, dân tộc, chỉ số HDI là nguyên nhân gây nên tình trạng bất bình đẳng xã hội.

Báo cáo dành phần quan trọng đánh giá về thực trạng giáo dục và y tế Việt nam. Theo đó, phần lớn số tiền chi cho hai lĩnh vực này là từ các hộ gia đình. Chi cho tiểu học chiếm 17,5% ngân sách gia đình, lên đến đại học và cao đẳng thì chi phí lên tới 50%. Đây quả là gánh nặng quá sức cho các hộ thu nhập thấp và nghèo. Đặc biệt, các tác giả bản báo cáo không ngần ngại nhận định hệ thống giáo dục Việt Nam lâm vào khủng hoảng ở mọi cấp. Chất lượng giáo dục từ tiểu học, đại học đến dạy nghề, hướng nghiệp vừa thấp, vừa không đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của sự phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật và công nghệ. 83% sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng “mềm”. Hiện nay chỉ có 15,2% tổng chi đầu tư dành cho các dịch vụ công ích xã hội, trong khi hơn 77% chi đầu tư nhà nước cho tăng trưởng kinh tế. Sự nghiêng lệch này rất khó kê cho bằng, đương nhiên gánh nặng phí tổn cho giáo dục, y tế của mọi tầng lớp xã hội càng khó cân bằng và công bằng.