Khó do ta...

ANTĐ - Đứng ở bên này sông Ca Long, nhìn sang bên kia biên giới thấy mênh mông đất, mênh mông người, nhà buôn nào chả ham. Một đất nước với gần 1,5 tỷ người, 1,5 tỷ nhu cầu ăn uống, làm việc, sinh hoạt, một thị trường khổng lồ lại sát cạnh nhau, vận chuyển dễ dàng, văn hóa gần gũi… Vậy mà nhìn lại, chúng ta vẫn thua thiệt,  dẫu hàng hóa vẫn ùn ùn chở ra chở vào. Vẫn biết là thương trường cũng như chiến trường, cá không ăn kiến thì kiến ăn cá, nhưng câu hỏi thì đã có hàng chục năm mà câu trả lời thì chưa biết bao giờ có.

Quan hệ thương mại Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng, kim ngạch hai chiều đã tăng rất nhanh, năm 2004 đã đạt 7,2 tỉ USD, đến cuối năm 2013 dự báo của Bộ Công thương sẽ vượt mốc 50 tỉ USD. Đây có được xem là tín hiệu đáng mừng trong quan hệ thương mại Việt Nam?

Đi bán thì vừa bán vừa lo

Đã là mua bán hai chiều thì tôi mua của anh, anh mua của tôi. Nhưng cái chợ hai người này chênh lệch quá đáng. Nếu năm 2001, Việt Nam (VN) nhập siêu từ Trung Quốc mới chỉ là 210 triệu USD, thì đến năm 2012, kim ngạch nhập siêu của VN từ thị trường này đã lên tới 16 tỉ USD, tăng tới hơn 76 lần, nhưng đến năm 2013, tình hình còn tệ hơn, theo số liệu của Hải quan công bố ngày 20-12, tính 11 tháng đầu năm nay, nhập siêu của VN từ Trung Quốc đã lên mức 21,6 tỉ USD. Có nghĩa theo cái đà này, năm 2013 chúng ta bán cho Trung Quốc được 13 tỷ USD thì chúng ta phải bỏ ra 37 tỷ USD mua hàng của họ. Thế thì buôn bán song phương mà làm gì?

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, đối tác nhập khẩu chính mặt hàng gạo, cao su… của VN là Trung Quốc. Tính đến hết tháng 11, lượng gạo xuất khẩu đạt 6,2 triệu tấn với trị giá 2,75 tỉ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là đối tác lớn nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 2,04 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Và cũng khẳng định luôn, giá gạo bán cho Trung Quốc suốt 11 tháng qua là thấp chưa từng thấy góp phần làm cho bà con nông dân ta nghèo thêm. Lượng cao su xuất khẩu cả nước đạt 951.000 tấn với trị giá 2,22 tỉ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2012. Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 9 tháng qua với gần 438.000 tấn, tăng 2,4% và chiếm 46% lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Và giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc cũng thấp so với nhiều năm. Các cánh rừng cao su vừa bị bão gãy đổ hàng loạt dẫu cay đắng cũng không bằng cay đắng giá cao su hạ nhiều khi tới 35% so với năm trước.

Trong 11 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu than đá của cả nước đạt 11,4 triệu tấn với trị giá 818 triệu USD, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu than đá của Việt Nam với 8,66 triệu tấn, chiếm tới 76% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Và dĩ nhiên than của chúng ta bán sang Trung Quốc cũng không được giá.  Vậy là chỉ còn nông sản thực phẩm là chúng ta có cơ hội bán được với giá cao. Nhưng sự thật còn cay đắng hơn.  Ấn tượng năm 2013 là kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh. Bên cạnh những mặt hàng chủ lực vào thị trường này như cao su, thanh long, sắn (khoai mì), đồ gỗ, nhân hạt điều… vài năm qua còn thêm cà phê, thủy sản (nhất là tôm), kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc có thể đạt 800 triệu - 1 tỷ USD trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đáng lo nhất là hầu hết nông sản của chúng ta lại xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Và lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu tiểu ngạch quá lớn, về lâu dài tiềm ẩn nguy cơ và sẽ tự đánh mất cơ hội do sự dễ dãi về chất lượng. Cách kinh doanh vùng biên thường thấy là, khi giá mặt hàng nông sản nào đó quá cao hay đủ hàng, họ ngưng mua, hậu quả là hàng nằm chờ ở biên giới như thanh long, dưa hấu… Khi đó giá lập tức giảm. Sau đó họ mua lại với giá thấp hơn. Tháng 11 vừa qua, mặt hàng mít cũng bị “giật hàng”. May mà còn có những doanh nghiệp chế biến trong nước mua vào và thuê kho dự trữ thêm chứ nếu không giá sẽ giảm, dân trồng mít sẽ chuyển sang cây khác. Tóm lại, xuất khẩu tiểu ngạch bao giờ chủ động cũng là họ, giá cả, chất lượng, thời gian mua và cả cách thức thanh toán đều phụ thuộc họ. Không thua thiệt mới là lạ. Một điều đáng chú ý khác, chính sách thương mại vùng biên Trung Quốc thường xuyên thay đổi. Ngoài ra, khi buôn bán dạng này phát triển làm cho sản phẩm xuất khẩu chính ngạch gặp khó, do giá vào thị trường này bị rối loạn. Các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch luôn chịu phí quota nhập, thuế giá trị gia tăng từ 13% - 17% và phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nên chênh lệch gần 20% so với tiểu ngạch. Điều này sẽ làm hàng nông sản Việt Nam không thể xây dựng thương hiệu trên thị trường Trung Quốc. 

Chưa kể việc thương nhân Trung Quốc tràn sang ta đặt mua đủ thứ quái dị nhiều lần làm dân ta ngơ ngác, không hiểu họ mua làm gì mà nếu ham chạy theo mua bán với họ cuối cùng ăn cháo lỗ. Thì cứ như vụ thu mua đỉa, giá cao ngất từng ngày, các thương nhân ta dốc vốn mua đỉa đầy nhà đầy ao, đùng một cái họ biến mất, đổ xăng đốt mà đau.

Mua thì như nhặt được

Dạo quanh các chợ tại TP.HCM, từ chợ bán sỉ đến chợ bán lẻ, hầu như sạp nào cũng có hàng Trung Quốc bày bán đan xen với hàng Việt, thậm chí còn lấn át. Trong các siêu thị cũng không thiếu hàng Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập là một trong những nguyên nhân gây mất cân đối cán cân thương mại? Được biết, Trung Quốc cũng là nhà thầu lớn nhất của VN, nên các sản phẩm hàng hóa, nguyên phụ liệu cho sản xuất, đầu tư được nhập từ nước này đã làm gia tăng tỉ lệ nhập siêu của VN từ Trung Quốc.

Nói về việc không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, phía lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương lại cho rằng: Những mặt hàng nhu yếu phẩm có mặt ở tất cả các thị trường từ nông thôn đến thành thị đều là hàng nhập tiểu ngạch vì VN có đường biên giới dài với Trung Quốc, do vậy khả năng kiểm soát rất khó. Nhưng thật ra muốn kiểm soát cũng không được, bởi giá hàng Trung Quốc quá rẻ. 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam được trợ giá, trợ cước, trợ thuế. Với những lợi thế đó, hàng hóa Trung Quốc đang “giết chết” sản xuất trong nước. Và chúng ta đã bất lực mặc dù chúng ta có công cụ phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ) theo đúng các quy định quốc tế, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành trước hàng hóa nước ngoài. 

Tính đến nay, Việt Nam mới chỉ tiến hành 3 vụ điều tra, gồm có 2 vụ điều tra tự vệ và 1 vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu và chưa áp dụng các biện pháp phòng vệ với bất cứ loại hàng hóa nào. Trong khi đó, nhiều loại sản phẩm mà Việt Nam đang nhập khẩu nhiều, đặc biệt là hóa chất, nhựa, dệt may, kim loại, điện tử, nông sản, tiêu dùng… của Trung Quốc đã và đang là đối tượng bị kiện chống bán phá giá ở nhiều nước, mặc dù họ bán cao hơn giá bán cho chúng ta. Còn đối với buôn lậu qua biên giới, câu hỏi rất đơn giản của một nhà nghiên cứu có thể giải thích được nguyên nhân của tình trạng nặng nề hiện nay. Đó là câu hỏi, nếu bất lực để thẩm lậu qua biên giới mỗi năm hàng triệu tấn hàng thì khả năng bảo vệ Tổ quốc của chúng ta ra sao?

Vậy thì mua như nhặt được hàng giá rẻ Trung Quốc dẫn đến nhập siêu nặng nề không phải là do chúng ta không thể ngăn lại được mà là chúng ta chưa quan tâm đến sản xuất trong nước, chưa áp dụng các biện pháp phòng vệ và chưa tập trung quản lý buôn bán dọc biên giới. 

Ngẫm cho cùng dễ hay khó là do ta cả thôi!