Khó “cắt đuôi” đeo bám khách

ANTĐ - “Nếu được áp dụng chế tài mạnh, chắc chắn việc xử lý số đối tượng đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng, ép giá gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến ANTT và môi trường du lịch sẽ được giải quyết triệt để” - Trung tá Phạm Văn Ưng, Phó trưởng CAP Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khẳng định.

Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên tình trạng đeo bám khách du lịch luôn tái diễn


Điểm mặt những đối tượng đeo bám

“Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các phố cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là nơi thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Lợi dụng điểm này, một số đối tượng đã đeo bám khách và có những hành vi gây mất mỹ quan, ảnh hưởng xấu đến ANTT ở địa bàn trung tâm Thủ đô” - Đại tá Nguyễn Phú Thắng, Phó trưởng CAQ Hoàn Kiếm cho biết và liệt  kê các loại đối tượng có hành vi đeo bám khách du lịch trên địa bàn. Đó là số đối tượng bán hàng rong, đồ lưu niệm, sách báo, đánh giày… đeo bám mời chào khách mua hàng, đánh giày rồi đòi giá cao; có đối tượng dùng thủ đoạn rạch giày dép của khách để khâu lại, sau đó ép khách trả tiền. Cá biệt có đối tượng đeo bám khách để xin tiền.

Có loại đối tượng còn giả danh hoạt động từ thiện, thường dùng xe máy đèo nhau bám theo đề nghị khách nước ngoài ủng hộ việc quyên góp; chỉ đến khi khách đưa tiền mới bỏ đi. Ngoài số đối tượng trên, phải kể tới loại đối tượng đeo bám khách nước ngoài để trộm cắp, cướp giật tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT và môi trường du lịch. 

Từ đầu năm đến nay, qua tuần tra kiểm soát kết hợp với tổ chức lực lượng mật phục, các lực lượng CAQ đã bắt giữ, xử lý 99 trường hợp đeo bám khách du lịch để ép mua, ép giá, trộm cắp tài sản…của khách nước ngoài; trong đó xử lý hình sự 6 đối tượng trộm cắp, đưa 2 đối tượng đi cơ sở giáo dục, chuyển trại xã hội 3 đối tượng lang thang xin tiền khách, xử phạt hành chính và răn đe số đối tượng còn lại, yêu cầu cam kết không tái phạm…

Khó khăn, vướng mắc

Thượng tá Nguyễn Quốc Hợp, Đội trưởng Đội Điều tra hình sự CAQ Hoàn Kiếm cho biết, hiện chưa có chế tài xử phạt hành vi vi phạm đối với các trường hợp bán hàng rong, đeo bám. Có nhiều vụ, Đội Điều tra hình sự CAQ Hoàn Kiếm truy xét, bắt giữ được đối tượng đeo bám trộm cắp tài sản người nước ngoài, thu được tang vật; nhưng do người nước ngoài không trình báo nên cơ quan công an không xác định được bị hại, gây khó khăn trong việc thiết lập hồ sơ, truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng trộm cắp.

Không chỉ khó khăn trong việc xử lý hình sự đối tượng đeo bám khách lợi dụng sơ hở để trộm cắp, lực lượng công an còn gặp khó khăn, vướng mắc trong xử phạt hành chính đối với số đeo bám này. Được biết các đơn vị CAP quản lý địa bàn khu vực hồ Hoàn Kiếm và tuyến phố cổ như Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Gai, Hàng Trống, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ đã xử lý nhiều loại đối tượng đeo bám, chèo kéo khách du lịch nước ngoài, trong đó, nhiều đối tượng bị xử lý 2; thậm chí 3, 4 lần mặc dù đã cam kết không tái phạm. 

Lý giải tình trạng đối tượng liên tục tái phạm, Trung tá Phạm Văn Ưng, Phó trưởng CAP Lý Thái Tổ cho biết, hiện chế tài xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 34/CP bất cập đối với các trường hợp buôn bán nhỏ, bán hàng rong, đeo bám khách du lịch (mức xử phạt tối đa các đối tượng đeo bám khách nước ngoài được áp dụng xử phạt về hành vi vi phạm TTCC là 150.000 đồng). Do mức xử phạt theo quy định hiện hành vẫn chưa đủ mạnh để răn đe, trấn áp nên tình trạng tái phạm còn diễn ra khi lực lượng chức năng mỏng, không đủ quán xuyến 24/24h trong ngày.

Theo Trung tá Phạm Văn Ưng, đối với những trường hợp tái phạm trên địa bàn quận lần thứ 2 (có lời khai, bản kiểm điểm, biên bản xử lý), là phải đưa đi trại xã hội trong thời gian ít nhất từ 3 - 6 tháng để vừa quản lý giáo dục vừa lao động. Hết thời hạn thì giao cho chính quyền, gia đình bảo lãnh giáo dục không vi phạm. “Nếu được áp dụng chế tài mạnh, chắc chắn việc xử lý số đối tượng đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng, ép giá gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến ANTT và môi trường du lịch sẽ được giải quyết triệt để” -Phó trưởng CAP Lý Thái Tổ khẳng định.