Khi trí thức biến thành tội phạm

ANTĐ - Có người bảo rằng không cần học hành đỗ đạt cao vẫn có thể làm ra rất nhiều tiền. Ngược lại, ngồi trên cả một đống tiền chưa chắc có được danh vị. Vậy mà hiện nay, không ít người có học vị cao được xã hội nể trọng lại sẵn sàng “bán rẻ” danh dự, nhân cách bản thân…      

TS. Trương Thị Bích Hà trước vành móng ngựa


“Mờ mắt” vì tiền

Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày vụ án xảy ra, song trong giới đầu tư nhà đất ở Hà Nội vẫn nhớ cái tên Lê Mãn Thân. Tuổi đời còn khá trẻ (SN 1978) nhưng đầu năm 2010, anh ta bỗng nổi lên là một “đại gia” bất động sản. Trước khi thực hiện hàng loạt phi vụ lừa đảo hàng chục tỷ đồng, Thân đã học qua Đại học Luật và từng công tác ở một số tờ báo. Với nhiều người, đó là niềm mơ ước nhưng trong con người trí thức trẻ này, tiền bạc mới thực sự là cái đích. Thân sớm tạo ra vỏ bọc “đại gia”, rồi dùng kiến thức tích lũy được kiếm tiền phi pháp.

Một trong những nạn nhân của Thân là ông N.V.H  - Tổng giám đốc một công ty đầu tư. Thân rủ rỉ với ông H. rằng đối tượng có quan hệ rất thân thiết với lãnh đạo chủ đầu tư dự án nhà cao tầng và biệt thự Thanh Hà tại Hà Đông - Quốc Oai. Do đó có thể mua được một số lô đất từ 2.500m2 đến 4.600m2 với giá ưu đãi. Ngày 25-5-2010, Thân nhận của ông H. 600 triệu đồng đặt cọc để mua một lô đất dự án. Tuy nhiên sau nhiều lần ra hạn hợp đồng, ông H. vẫn không thể có được điều mong muốn. Bằng thủ đoạn sử dụng “xế hộp”, ở biệt thự sang trọng và tiêu tiền mát tay, Thân tiếp tục lừa một nhà đầu tư bất động sản khác là ông H.H.N.

Ngày 30-5-2010, đối tượng nhận của ông này 5 tỷ đồng đặt cọc để mua 5 lô đất tại dự án khu đô thị An Hưng. Thế nhưng khi nhận được tiền của ông N., Thân nhanh chóng tẩu tán hết và lẩn trốn. Ngoài 2 nạn nhân này, Thân còn lừa 3 bị hại khác, đều là những người “sành sỏi” trong giới kinh doanh bất động sản với tổng số lên đến gần 14 tỷ đồng… Quá trình gã trí thức biến chất bị xử lý trước pháp luật, tất cả các bị hại đều khẳng định sở dĩ họ bị lừa là do tin vào cái “mác” Giám đốc Công ty CP Đầu tư địa ốc dầu khí Petroconex, vẻ bề ngoài sang trọng, lịch lãm và vốn tri thức nhất định của đối tượng.

Từng là nghệ sỹ của một đoàn nghệ thuật lừng danh, Phạm Ngọc Liên (SN 1959, trú phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) tự đánh bóng mình bằng nhiều hoạt động kinh doanh hoành tráng. Sau một thời gian làm thân, Liên đã vay của bà N.T.N.M. - Tổng giám đốc một công ty cổ phần ở quận Hai Bà Trưng 23 lần với tổng số tiền 8,817 tỷ đồng. Ngày 22-6-2006 “chốt nợ” Liên vui vẻ làm tròn thành 9 tỷ đồng để có cơ hội “khoét” tiếp. Và thực tế nữ diễn viên này đã lừa thêm của bà M. hơn 3,8 tỷ đồng nữa. Trong khoảng thời gian vay tiền của bà M., Liên còn lạm dụng lòng tin của nhiều người để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng... Nói về những đối tượng phạm tội là trí thức, những người làm công tác tố tụng nhìn nhận phần lớn rơi vào các loại tội liên quan đến kinh tế, chức vụ và xâm phạm an ninh quốc gia. Do có trình độ, tri thức nên thủ đoạn, hành vi và hậu quả mà các trí thức phạm tội gây ra thường đặc biệt nghiêm trọng. Đấu tranh với loại tội phạm này cũng vô cùng khó khăn.

Phạm Ngọc Liên bị dẫn giải trở lại

trại giam sau phiên toà


“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”

Được coi là người của công chúng vì thường xuyên xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông trong những năm tháng trước đây với vai trò chuyên gia, Trương Thị Bích Hà (SN 1954, trú ở phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) không thể hình dung nổi sự ê chề, tủi nhục khi phải đứng trước vành móng ngựa. Trước khi tự đánh mất mình, người đàn bà này đang có trong tay rất nhiều thứ vô cùng quý giá: học vị tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học, giảng viên một trường nghệ thuật ở Thủ đô và có chồng, con rất thành đạt. Thế nhưng nữ trí thức này không hài lòng với những gì đã có.   

Sự nghiệp và danh vọng của Trương Thị Bích Hà bắt đầu bị hủy hoại vào đầu tháng 9-2005 khi bà ta vay của một người bạn khoản tiền 120.000 USD để làm ăn, nhưng sau đó không trả. Tiếp tục dấn sâu vào tội lỗi, Hà đã “mượn nóng” của một người quen từng có hàm ơn với đối tượng 30.000 USD. Không dừng ở đó, Hà còn lạm dụng lòng tin để chiếm đoạt tiền, tài sản của 4 nạn nhân khác với tổng số tiền 2 tỷ 895 triệu đồng. Tất cả những người “trót” tin tưởng cho Hà vay đã đồng loạt làm đơn tố cáo tới cơ quan công an.

Vì thế, TS. tâm lý Trương Thị Bích Hà bị đưa ra truy tố, xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vụ án đã khép lại với hình phạt 20 năm tù giam dành cho bị cáo. Khoảng thời gian thụ án dài đằng đẵng kia chắc chắn sẽ là quá đủ để nữ TS. tâm lý ngẫm ngợi về “nhân tình thế thái” và những vinh - nhục ở đời. Đau đớn hơn, khi vụ án bị phanh phui, người đàn bà này còn mất luôn cả cái gia đình vốn rất hạnh phúc, đầm ấm. Nhìn Trương Thị Bích Hà lầm lũi theo cảnh sát trở lại trại giam, có người buột miệng bảo: “Giờ đây, nữ TS. tâm lý này có hối hận thế nào đi nữa thì tất cả thành quả sau bao năm phấn đấu đã bị chính bà ta hủy hoại hết”.