Khi tham vọng trở thành thảm họa

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã cho thấy sự ổn định của kinh tế khu vực đồng euro đang bị đe dọa. Được xây dựng trên nền tảng các tham vọng chính trị, bỏ qua các nguyên lý kinh tế cơ bản, khu vực đồng euro là câu chuyện của một tham vọng trở thành thảm họa.

Tương lai của đồng tiền chung châu Âu vẫn là dấu hỏi

Tham vọng lớn lao

Tiền giấy và tiền xu euro được phát hành và lưu thông từ năm 2002. Chính sách tiền tệ khu vực đồng euro thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Trung ương châu Âu, có trụ sở tại Frankfurt, Đức, đứng đầu là Bộ trưởng Tài chính các thành viên trong cơ chế Eurogroup. Nhằm duy trì sự ổn định của đồng tiền, các thành viên phải tôn trọng Hiệp ước Maastricht - thỏa thuận về ổn định và phát triển, giới hạn tỷ lệ lạm phát, nợ công và đặc biệt là thâm hụt ngân sách không được quá 3%.

Việc cho ra đời đồng tiền chung euro là một ý tưởng hay. Đầu tiên, người ta chỉ có thể thấy ở đó những lợi thế. Trong thời gian 7 năm đầu, các quan chức châu Âu làm việc ở Brussels, Thủ đô của nước Bỉ, đều đánh giá cao việc thuận tiện khi sử dụng đồng euro. Việc sử dụng một đồng tiền chung đã làm cho đời sống dân chúng châu Âu trở nên thuận lợi và đơn giản hơn. Nó đã khiến các nhà chính trị châu Âu tin rằng chính họ đang là động lực thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình thống nhất châu Âu và cuối cùng sẽ nhanh chóng biến châu Âu trở thành cường quốc chính trị mới.

Điều gì đã xảy ra ở Eurozone?

Thế nhưng trong 2 năm qua, khu vực đồng euro đã trượt dài vào khủng hoảng, với việc Hy Lạp, Ireland đứng bên bờ vực phá sản. Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải can thiệp. Tháng 5-2010, châu Âu chi ra 110 tỷ euro giúp Hy Lạp, sang đến tháng 11, đến lượt Ireland được hà hơi tiếp sức 85 tỷ euro. Đến cuối năm nay, 2011, mối đe dọa vẫn lơ lửng trên bầu trời châu Âu với những khó khăn chất chồng về tài chính công tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia và một số nước khác.

Trước hết đây là hậu quả của những mâu thuẫn nảy sinh do chính sách tiền tệ siêu quốc gia thống nhất được thực hiện trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU), với tư cách một liên minh kinh tế được xây dựng trên cơ sở phối hợp các chính sách kinh tế quốc gia của từng nước thành viên EU. Đồng thời chính sách tiền tệ - tín dụng thống nhất được thực hiện không tính tới sự khác biệt về trình độ phát triển trong cơ cấu kinh tế của các nước tham gia EU. Do đó, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của những nước gọi là “có vấn đề” ở Nam Âu (trước hết là Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) do sự phá giá tiền tệ là không thể.

Một điều đặc biệt khác của sự khủng hoảng trong khu vực đồng euro - đó là mối liên hệ của nó với sự tích lũy những khoản nợ lớn. Những khoản nợ này là kết quả của sự vay mượn ngày càng tăng lên nhiều, đôi khi không kiềm chế được. Thực tế, trong một thời gian dài, trên quy mô rộng lớn, ở tất cả các cấp đều diễn ra những hoạt động tài chính: các gia đình có xu hướng thích thế chấp vay tín dụng để lấy tiền tiêu dùng, các ngân hàng cũng thoải mái tìm cách mua thêm cổ phiếu bằng các nguồn tài chính từ bên ngoài, còn nhà nước thì ngày càng thiếu trách nhiệm trong việc tuân thủ kỷ luật ngân sách.

Cuối cùng, xảy ra khủng hoảng niềm tin đối với các nước có vấn đề. Các ngân hàng, trước hết là của Pháp và Đức, có số lượng lớn các trái phiếu chính phủ của các nước này (gần hai nghìn tỷ euro). Vấn đề này làm tăng tính mạo hiểm của các ngân hàng. Do đó, người ta đã dự đoán không chỉ mức nợ của các nước này ở mức nguy hiểm, mà vấn đề niềm tin của các nhà đầu tư đối với sự ổn định của các nền kinh tế và tính hiệu quả trong hoạt động của chính phủ các nước này cũng ở mức nguy hiểm.

Tương lai mờ mịt

Những người sáng lập ra đồng euro hoàn toàn nhận thức được vấn đề và nguy cơ lây lan có hệ thống nếu một trong những nước thành viên bắt đầu căng quá mức chịu đựng và đến một ngày nào đó bị đe dọa phá sản. Vì vậy, chủ yếu là do sức ép của Đức, Hiệp ước Maastricht đã dự kiến hai kiểu bảo vệ: thứ nhất là đưa vào hiệp ước một điều khoản gọi là “no bail out” (tức không cứu trợ) - cấm Ngân hàng trung ương châu Âu can thiệp để cứu trợ một Nhà nước bị đe dọa phá sản. Và thứ hai là lập ra một đơn vị giám sát và trừng phạt đối với các nước thành viên có ý định thực hiện một sự quản lý ngân sách và thuế khóa quá theo chủ nghĩa dễ dãi của riêng mình.

Theo các dữ kiện của Ngân hàng trung ương châu Âu, sự tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm tại các nước thuộc khu vực đồng euro lên tới 3,4% trong những năm 1970 và 2,4% trong những năm 1980, rồi 2,2% trong những năm 1990 và tụt xuống chỉ còn 1,1% từ năm 2001 đến 2009, thập niên sử dụng đồng euro. Không ở đâu khác trên thế giới lại có đà suy giảm như vậy. Những người muốn “cứu vãn đồng euro” bằng mọi giá khẳng định rằng cần phải trở lại những điều kiện chặt chẽ của hiệp ước trên, thậm chí còn cứng rắn hơn và trao cho nó việc quản lý một cơ cấu có thiên hướng trở thành một chính phủ kinh tế thực sự của châu Âu

Liệu khu vực đồng euro có tồn tại bất chấp những khó khăn nêu trên? Điều chắc chắn là các nhà chính trị sẽ cố gắng hết mình để tránh xảy ra điều xấu nhất. Chừng nào vốn liếng chính trị được đầu tư vào sự tồn tại của đồng euro và vai trò làm chất kết dính của nó chừng đó khó mà hình dung được rằng họ sẽ làm được khác. Thế nhưng việc họ có làm được không lại là chuyện khác.