Khi ngân hàng tiếp tay mafia

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm có tổ chức. Một loạt các vụ bê bối gần đây đã phơi bày mối liên kết giữa một số ngân hàng lớn nhất toàn cầu và thế giới ngầm của những tên tội phạm, buôn lậu, buôn bán ma túy và vũ khí. 
Khi ngân hàng tiếp tay mafia ảnh 1
Nhiều ngân hàng thành nơi rửa tiền của các tổ chức tội phạm 

Cùng có lợi

Mối quan hệ cùng có lợi giữa các ngân hàng và băng đảng không phải là mới, nhưng tầm với của chúng ngày càng cao trong hệ thống tài chính toàn cầu. Năm 2010, Wachovia thừa nhận đã giúp tài trợ cho cuộc chiến ma túy đẫm máu ở Mexico do không xác định và ngăn chặn được các giao dịch bất hợp pháp. Ngân hàng này được Ngân hàng Mỹ Wells Fargo mua lại trong cuộc khủng hoảng tài chính đã đồng ý trả 160 triệu USD tiền phạt vì dung túng cho hoạt động rửa tiền, xảy ra vào khoảng năm 2004-2007. Tuy nhiên, tổng số tiền phạt chiếm chưa đầy 2% lợi nhuận mà ngân hàng thu được trong năm 2009 là 12,3 tỉ USD. 

Trong khi đó, HSBC (Anh) đã phải xin lỗi và một lãnh đạo của ngân hàng này từ chức sau khi các nhà lập pháp Mỹ buộc tội ngân hàng lớn nhất châu Âu tiếp tay cho Iran, các phần tử khủng bố và các tay buôn bán ma túy tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ. Trong báo cáo dài 330 trang, các nhà điều tra của Thượng viện Mỹ phát hiện HSBC trong nhiều năm đã cho phép các chi nhánh trực thuộc ở các nước như Mexico, Arập Xêút và Bangladesh chuyển nhiều tỉ USD từ “các tài khoản đáng ngờ” vào Mỹ mà không kiểm soát chặt chẽ. Hồi tháng 7 vừa qua, HSBC thông báo chi nhánh của họ ở Mexico đã nộp phạt tổng cộng 379 triệu peso (27,5 triệu USD) cho nhà chức trách nước này do vi phạm các quy định ngăn chặn hoạt động rửa tiền. Các ngân hàng khác như ABN Amro, Barclays, Credit Suisse, Lloyds và ING cũng tham gia rửa tiền. 

Nhiều giao dịch bất hợp pháp trong ngành ngân hàng đã tạo cơ hội cho các nhóm tội phạm có tổ chức, giúp chúng ngày càng lớn mạnh. Năm 2009, Antonio Maria Costa, một nhà kinh tế người Ý sau đó lãnh đạo Văn phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc, nói với tờ báo Anh The Observer rằng “trong nhiều trường hợp, tiền từ buôn bán ma túy và các hoạt động tội phạm là vốn lưu động duy nhất mà các ngân hàng có thể tiếp cận khi khủng hoảng nổ ra”. Theo ông Antonio, các khoản vay liên ngân hàng được tài trợ bởi tiền có nguồn gốc từ việc buôn bán ma túy và các hoạt động bất hợp pháp khác. “Có những dấu hiệu cho thấy một số ngân hàng đã được cứu theo cách đó”, ông Antonio nói. Liên hợp quốc ước tính, 1,6 nghìn tỷ USD đã được rửa trên toàn cầu trong năm 2009, trong đó khoảng 580 tỷ USD liên quan đến buôn bán ma túy và các hình thức khác của tội phạm có tổ chức.

Đường đi của tiền “bẩn”

Hoạt động rửa tiền phổ biến trên thế giới thường tiến hành theo 3 bước chính. Ban đầu, các đối tượng sẽ đưa những đồng tiền “bẩn” vào các định chế tài chính, và chia chúng thành nhiều khoản tiền nhỏ dưới mức quy định. Sau đó, tiền sẽ được chuyển sang tổ chức tài chính khác để che giấu nguồn gốc và chủ sở hữu. Cuối cùng, số tiền “bẩn” đó được rửa thông qua đầu tư vào những hoạt động kinh doanh hợp pháp. Ông Kevin Whelan thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, tiền “bẩn” được chuyển bằng nhiều tài khoản khác nhau, hoặc giữa tài khoản trong nước với tài khoản nước ngoài. 

Một nghiên cứu hồi năm ngoái của 2 nhà kinh tế    Colombia, Alejandro Gaviria và Daniel Mejía kết luận rằng, phần lớn lợi nhuận từ buôn bán ma túy ở Colombia chảy vào túi của băng đảng tội phạm ở các nước giàu và được rửa bởi ngân hàng tại các trung tâm tài chính toàn cầu như New York và   London. Theo họ, bí mật ngân hàng và luật riêng tư ở các nước phương Tây thường cản trở tính minh bạch, khiến bọn tội phạm rửa tiền dễ dàng hơn. 

Chi phối thị trường chợ đen

Tại Hy Lạp, do ngân hàng siết chặt cho vay, ngày càng nhiều người tìm đến những kẻ cho vay nặng lãi. Nhiều nguồn tin nói với Reuters rằng, doanh số cho vay nặng lãi tại thị trường này lên đến 5-10 tỷ euro mỗi năm, và tăng gấp 4 lần kể từ năm 2009. Tại Thessaloniki, thành phố lớn thứ 2 Hy Lạp, cảnh sát đã triệt phá một đường dây tội phạm cho vay với lãi suất “cắt cổ” từ 5-15%/tuần, nếu ai không trả sẽ bị chúng trả thù. Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, nhiều hoạt động cho vay bất hợp pháp ở Hy Lạp liên quan tới các băng đảng từ Balkan và Đông Âu. Tội phạm có tổ chức cũng chi phối thị trường dầu mỏ chợ đen ở Hy Lạp, ước tính 20% lượng xăng bán ra ở Hy Lạp là từ thị trường “chợ đen”. Nạn buôn lậu không chỉ đẩy giá xăng lên cao mà còn khiến chính phủ thất thu thuế. 

Tại Ý, lợi dụng sự thiếu hụt về nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ, các tổ chức mafia đã mở rộng và phát triển hình thức cho vay nặng lãi. Theo thống kê, có khoảng 200.000 doanh nghiệp của nước này đã trở thành nạn nhân của hình thức cho vay nặng lãi. Hậu quả là hàng loạt công ty, doanh nghiệp phá sản và hàng nghìn người mất việc làm do không trả được nợ. Theo tổ chức chống tội phạm SSO Impresa, các băng đảng mafia được xem là “ngân hàng” lớn nhất Italia với 65 tỷ euro vốn lưu động, và thu về khoản lợi nhuận tương đương 7% GDP của nước này. 

Mặc dù chính quyền nhiều nước nỗ lực ngăn chặn, nhưng do thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều ngân hàng trong đó có cả những ngân hàng hàng đầu thế giới thường khó cưỡng lại khoản tiền gửi có khi lên đến hàng tỷ USD của các băng nhóm tội phạm.