Khi cán bộ hóa “ma men”

ANTĐ - Sau mỗi cuộc nhậu, quá chén, không làm chủ hành vi nên nhiều “ma men” đã “coi trời bằng vung”, dám làm cả những việc mà khi tỉnh táo nghĩ lại chỉ biết lắc đầu. Điều đáng nói là trong số những “ma men” này còn có cả một số cán bộ công chức, khiến dư luận bức xúc…

Ông Đặng Quốc Dũng (tay cầm điện thoại) liên tục gọi điện thoại khi

 lực lượng chức năng lập biên bản - Ảnh: GDVN

Cậy thế, ra oai

Thời gian gần đây, một số đối tượng nguyên là cán bộ công chức giữ vai trò lãnh đạo nhưng sau khi ăn nhậu quá đà đã có những hành động, hành vi thiếu văn hóa. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì quay sang “ăn vạ” chẳng khác nào “anh Chí”.

Mới đây, TAND quận Cái Răng (TP Cần Thơ) đã tuyên phạt Huỳnh Thanh Thắng (SN 1962, nguyên Phó Trưởng phòng Tư pháp, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) 15 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”. Chiều 26-7-2011, Huỳnh Thanh Thắng điều khiển xe máy chạy trên địa bàn phường Ba Láng (quận Cái Răng), vượt quá tốc độ quy định và trong tình trạng say rượu nên đã bị lực lượng chức năng dừng xe, kiểm tra hành chính. Sau khi bị lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe, Thắng đã không chấp hành mà còn chửi bới lực lượng CSGT, giật đứt cầu vai, bảng tên và nút túi… của Thiếu úy Phan Vĩnh Minh. Hành vi trên của Thắng đã bị cáo buộc phạm vào tội “Chống người thi hành công vụ”.

Không lấy đó làm bài học, mới đây, ngày 16-3, tại phố Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội), ông Đặng Quốc Dũng (SN 1956) - Chi cục phó Chi cục Hải quan Hà Tây (thuộc Cục Hải quan TP Hà Nội) điều khiển chiếc xe cá nhân 7 chỗ, va chạm với xe mang biển số ngoại giao. Sau đó, ông Dũng đã có những hành vi văng tục, chửi bậy và xưng hẳn chức danh, đơn vị công tác ra thị uy. Không những thế, khi lực lượng chức năng có mặt để giải quyết, ông Dũng vẫn không thôi hù dọa và thách thức với những lời lẽ khiếm nhã. Ngày 23-3, Cục Hải quan TP Hà Nội đã ra Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Đặng Quốc Dũng để phục vụ công tác điều tra.

Trong bản tường trình, ông Đặng Quốc Dũng thừa nhận hôm đó ông Dũng có uống rượu nhưng chỉ là “chút rượu vang”. Trong khi giải quyết vụ việc ông Dũng cho rằng mình hoàn toàn tỉnh táo, chấp hành đầy đủ và hợp tác với cơ quan chức năng… Tuy nhiên, chỉ cần theo dõi đoạn video clip ghi tại hiện trường có thể thấy, ông Dũng đã buông những câu chửi thề rất tục tĩu, không ai nghĩ rằng một Chi cục phó Chi cục Hải quan lại có hành vi, ứng xử như vậy. 

Thói quen ứng xử hay coi thường luật?

Trả lời phỏng vấn một tờ báo mạng trong nước, ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó chủ nhiệm UBKT Trung ương đã thẳng thắn cho rằng, hành vi trên của ông Đặng Quốc Dũng là “vô liêm sỉ”. Việc say rượu, điều khiển phương tiện giao thông để xảy ra va quệt rồi chửi bới, hung hăng thách thức người đến can ngăn thật đáng xấu hổ.

Theo các chuyên gia tâm lý, cho dù cán bộ công chức hay dân thường thì họ cũng đều là con người, khi “quá chén”, họ đều có phản ứng giống nhau. Bên cạnh đó, do một phần văn hóa của người Việt Nam thường hay giải quyết công việc bằng mối quan hệ là chính, vô tình tạo ra ý thức tuân thủ các quy định pháp luật kém đi. Đối với những người có chức, có quyền thì lại càng có mối quan hệ rộng. Khi các vấn đề gì xảy ra với bản thân họ thì liền ỷ vào mối quan hệ, gọi điện cho “người thân” trợ giúp. Tuy nhiên, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và người có vai trò vị trí trong xã hội thì càng phải chấp hành tốt quy định của pháp luật chứ không thể ứng xử một cách tùy tiện, thiếu văn hóa…

Trong những lần đi theo các chiến sĩ CSGT tác nghiệp, chúng tôi được chứng kiến khá nhiều tình huống xảy ra mà lực lượng CSGT phải giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết những trường hợp sau khi “trà dư, tửu hậu” vi phạm luật thì mất rất nhiều thời gian. Đánh giá vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trịnh Trực (thuộc Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, không chỉ riêng gì hai trường hợp điển hình nêu trên mà thực tế hàng ngày những việc như vậy xảy ra khá phổ biến. Có điều, sau khi xảy ra sự việc thì họ tìm cách hòa giải, đổ lỗi vì “quá chén” và xin xem xét xử lý hành chính. Nếu lực lượng chức năng “nương tay”, xử nhẹ thì tạo ra tiền lệ xấu. Do vậy, lực lượng chức năng cần “mạnh tay” hơn nữa và cần phải xử lý hình sự nếu có đủ yếu tố, hành vi cấu thành tội phạm mới đủ sức răn đe, làm gương cho kẻ khác. Bởi không có điều luật nào quy định, người phạm tội trong trường hợp say rượu được xem là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.