Khẩn trương hoàn thành cung cấp dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 12-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia đã diễn ra Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ.

Sau tham luận của các bộ, ngành, địa phương, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nhấn mạnh một số nội dung quan trọng. Theo đó, năm 2023 được xác định là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo lập và “nuôi sống” dữ liệu trong chuyển đổi số

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo lập và “nuôi sống” dữ liệu trong chuyển đổi số

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với nhiều bộ, ngành, nhiều doanh nghiệp và 63 địa phương. Nhưng, theo Bộ trưởng Tô Lâm, thực ra nhiều kết nối chỉ mới là “vật lý”: có đường truyền, có quan hệ với nhau, nhưng dữ liệu chưa có hoặc có nhưng chưa chính xác. “Nhiều bộ dữ liệu chưa hoàn thiện nên kết nối chưa thực hiện được, thực hiện chưa đầy đủ vì bản chất là kết nối dữ liệu, không có dữ liệu thì không có gì để kết nối. Thậm chí là kết nối không chính xác bởi dữ liệu không phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thì rất khó” - Bộ trưởng Tô Lâm nói và chia sẻ: “Việc xây dựng và tạo lập dữ liệu là vấn đề rất khó khăn. Duy trì thường xuyên dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch sống” lại càng khó khăn hơn nữa. Dữ liệu không đứng lại một chỗ, không phải thu thập một lần là xong mà phải luôn luôn được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng được biến động của cuộc sống, người dân. Nếu không có quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo tạo lập, “nuôi sống” dữ liệu thì khó thực hiện được kết nối. Số hóa được dữ liệu là công việc quan trọng, nền tảng đám mây hay mạng 5G là phương tiện, điều kiện để kết nối tốt”.

Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao người đứng đầu các đơn vị cần quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu - nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia. Đẩy mạnh việc số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung để cắt giảm thủ tục hành chính, không để người dân phải khai báo thông tin nhiều lần; thống nhất thực hiện, tạo dữ liệu tư pháp toàn quốc trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, cho công tác quản lý điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an nêu vấn đề, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định 442 của Thủ tướng. Đến nay, đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử, tuy nhiên còn 18 dịch vụ công theo chưa hoàn thành việc cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành: Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính. Từ đó, Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị trên bám sát lộ trình, khẩn trương hoàn thành cung cấp dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử. Đồng thời, lựa chọn các dịch vụ công thiết thực, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp để tập trung tạo điều kiện và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo chất lượng, thực chất để người dân và doanh nghiệp hưởng ứng thực hiện. “Trong chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp hưởng ứng mới thành công được, không phải chỉ là công việc của một số bộ, ngành, địa phương” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, với các công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an nhắc đến việc đã công bố 2 dịch vụ công trực tuyến liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng… từ ngày 10-7 trên toàn quốc. Văn phòng Chính phủ , Bộ Công an đã tổ chức hội nghị trực tuyến cho các bộ, ngành địa phương. Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch UBND 63 địa phương chỉ đạo tập trung triển khai, đảm bảo hiệu quả. “Lựa chọn 2 dịch vụ liên thông trên là thiết yếu hàng ngày, dễ làm nhất. Chúng ta làm để tạo thói quen, từ đó nâng cấp các dịch vụ khác” - Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ và cho biết, qua theo dõi và đánh giá việc triển khai ở các địa phương, có nơi làm tốt, có nơi chưa tốt và khẳng định: “Địa phương nào người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo thì hiệu quả thiết thực. Đây là bài học chung cho tất cả công việc không chỉ riêng với Đề án 06. Tổ công tác đã có hướng dẫn cụ thể về 43 mô hình, các tiện ích của Đề án 06. Nhưng đến nay mới có 9 địa phương ký kết với Tổ công tác để thực hiện. Đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm hơn nữa, chỉ đạo thực hiện đề án này”.

Triển khai lý lịch tư pháp, sổ bảo hiểm xã hội trên VNeID

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án số 06 của Chính phủ phát biểu tại hội nghị

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án số 06 của Chính phủ phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án số 06 của Chính phủ đã báo cáo tóm tắt kết quả triển khai 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Theo đó, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện với 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan tới người dân theo Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 227/227 dịch vụ công theo chức năng nhiệm vụ của ngành. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến với hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 lượt thực hiện các dịch vụ công (tăng 3 lần so với cùng kỳ).

Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp khi có thể thực hiện ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, hạn chế phải đi lại, không tiếp xúc, không giấy tờ, không dùng tiền mặt, loại bỏ dần tình trạng tham nhũng vặt; đồng thời tiết kiệm chi phí rất lớn. Trung bình hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước và người dân 2.505 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc dẫn chứng: 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng giảm thời gian từ 21 xuống 4 ngày làm việc; giảm hồ sơ giấy tờ từ 3 mẫu đơn thành 1 mẫu, tiết kiệm hơn 17 tỷ đồng. Hai dịch vụ liên thông này đã được triển khai trên toàn quốc từ ngày 10-7.

Bên cạnh đó, dịch vụ công thu tiền nộp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình, phạt nguội đã giảm thời gian đi lại nhận quyết định xử lý vi phạm hành chính, nộp phạt, nhận giấy tờ cho công dân đã tiết kiệm 479,9 tỷ đồng. Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng giảm giấy tờ, thời gian xét tuyển, cha mẹ học sinh không phải nghỉ làm, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm 280,9 tỷ đồng… Các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để phát triển kinh tế xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng. Từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử đã đẩy mạnh ứng dụng trên các lĩnh vực mang lại giá trị thiết thực như: Đẩy mạnh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền giúp thu, truy thu được 485 tỷ đồng tiền thuế; ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư để làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao giúp nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng; ứng dụng tài khoản VNeID mức độ 2 với hành khách bay nội địa…

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ các nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới như: Số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành Tư pháp, Lao động Thương binh và Xã hội trên nền tảng dữ liệu dân cư để tiết kiệm chi phí; Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18, ngày 30-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ. Ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử để thúc đẩy chuyển đổi số tại 19 tập đoàn, tổng công ty; Triển khai lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, sổ bảo hiểm xã hội... trên VNelD, tạo tiện ích cho người dân, doanh nghiệp…