Khám phá sức mạnh "Lá chắn tử thần" có thể Việt Nam sẽ mua

ANTĐ - Quân đội Nga chuẩn bị đưa vào biên chế hệ thống tên lửa phòng không Sosna-R được mệnh danh là “Tên lửa tử thần” hoặc “Lá chắn tử thần” có tính năng rất ưu việt.

Sơ bộ tính năng của ZRK Sosna-R

Trung tướng Alexander Leonov, Tư lệnh Binh chủng phòng không Nga (PVO) vừa cho biết, Cục thiết kế kỹ thuật chính xác Nudelman cùng với nhà máy thiết bị Saratov đã đưa hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn mới ZRK Sosna-R vào qui trình thử nghiệm cấp nhà nước.

Theo dự kiến, ZRK Sosna-R sẽ xuất hiện trong biên chế Binh chủng phòng không Nga vào nửa cuối năm 2016. Tướng Leonov khẳng định, hệ thống phòng không mới sẽ nâng cao đáng kể tiềm lực đối phó các hoạt động không kích của đối phương.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn ZRK Sosna-R có khả năng chống máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và thiết bị do thám không người lái ở độ cao từ 20 cm tới 5 km, trong khoảng cách đến 10 km, kể cả khi khi hệ thống đang di chuyển.

Do tính chất định hướng trong thiết kế, Sosna-R chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ phòng không tầm gần, bảo vệ các công trình trọng điểm, các hệ thống phòng không chiến lược, trong biên chế binh chủng phòng không. Tuy nhiên, nó hoàn toàn có thể sử dụng cho phòng không lục quân, bảo vệ các sư, lữ đoàn bộ binh.

Kíp vận hành ZRK Sosna-R gồm lái xe và thao tác viên. Vị trí của thao tác viên đặt trong khoang bọc thép và không bị xoay trong tháp pháo như các tổ hợp tiền nhiệm.

Hệ thống có khả năng hoạt động ở hai chế độ tìm kiếm và tấn công mục tiêu, với chế độ điều khiển hoàn toàn tự động hoặc bán tự động.

Trong chế độ tự động, toàn bộ quá trình diễn ra không cần người thao tác can thiệp. Chế độ bán tự động dành cho trường hợp có tác chiến trong môi trường nhiễu sóng điện từ mạnh, bắt buộc phải có sự vận dụng trí tuệ của con người.

Trang bị vũ khí của ZRK Sosna-R gồm 12 tên lửa siêu âm 9M337 Sosna-R, với hai giai đoạn bay, hệ thống điều khiển kết hợp. Tên lửa có thể bay với vận tốc 900m/s, tức 3240km/h (tương đương 2,6Mach).

Ngay sau khi phóng, tên lửa được các mệnh lệnh vô tuyến dẫn bắn. Sosna-R-R tự động đuổi kịp mục tiêu nhờ hệ thống điều khiển laser có khả năng chống nhiễu cao.

Phương tiện vận chuyển chủ chốt của ZRK Sosna-R là xe bọc thép bánh xích đa dụng MTLB quen thuộc. Tuy nhiên, Sosna-R có thể được đặt trên khung gầm hệ thống ZRK đất đối không khác, hoặc có thể được gắn lên bất cứ khung gầm nào có trọng tải trên 4 tấn hoặc triển khai cố định.

Hiện nay, về cơ bản là Sosna-R đã phát triển hoàn thiện với 3 biến thể là phóng từ bệ phóng cố định trên mặt đất, cơ động trên xe bánh xích và phóng tự trên các chiến hạm mặt nước.

Hệ thống phòng không tầm gần ZRK Sosna-R có thể được nâng cấp từ Strela-10 của Việt Nam

Biến thể trên hạm của nó đã hoàn thiện từ trước và được gọi là tổ hợp pháo-tên lửa Palash, thuộc lớp phòng thủ tầm gần trên hạm.

Ưu điểm nổi bật của Sosna-R so với các hệ thống khác

Một trong những hạn chế của các ZRK hiện nay lại chính là hệ thống chủ động phát hiện mục tiêu. Đây là điểm yếu chí mạng, có thể bị các tổ hợp gây nhiễu điện tử của đối phương phá hoại khả năng hoạt động (chế áp mềm) hoặc dùng biện pháp chế áp cứng, tức là phóng tên lửa tiêu diệt.

Sosna-R đã được tối đa hóa khả năng chiến đấu và tồn tại của trên chiến trường. Trong quá trình chế tạo, nhà thiết kế quyết định sử dụng thiết bị tìm kiếm và dẫn mục tiêu thụ động, giúp nó phòng tránh được các tên lửa chống bức xạ (tên lửa diệt radar) của đối phương và chống gây nhiễu.

ZRK Sosna-R được đánh giá là có tính năng ngang ngửa, thậm chí có mặt còn trội hơn (giá thành hệ thống và chí phí vận hành; khả năng chống nhiễu tốt hơn) so với hệ thống phòng không tầm ngắn/thấp hiện đại nhất của Nga hiện nay là Pantsir-S.

Hệ thống ZRK T-38 Stilet của Belarus trước đây được hy vọng có thể trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Sosna-R. Đây là phương án hiện đại hóa sâu hệ thống tên lửa phòng không Osa-AKM từ thời Liên xô với các tên lửa mới T-382 được phát triển tại Ukraine.

Hệ thống Palma trên tàu hộ vệ thuộc Project 11661E lớp Gepard 3.9 của Việt Nam

Tuy nhiên, công nghệ quân sự của Ukraine càng ngày càng tụt hậu, hơn nữa những biến động địa-chính trị đã khiến Kiev không còn tiềm lực kinh tế, kỹ thuật để tập trung đầu tư phát triển các vũ khí công nghệ cao. Do đó, dù được thiết kế với ý tưởng tốt nhưng dự án ZRK Stilet đã không thành công.

Thời gian vừa qua, truyền thông Nga đồn thổi Việt Nam đã ngỏ ý mua 1 trong 2 hệ thống phòng không tầm gần Sosna-R hoặc Pantsir-S, để bảo vệ các công trình trọng điểm và các hệ thống phòng không tầm cao/tầm xa S-300, mà lực lượng phòng không của chúng ta đang sở hữu.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã sở hữu các biến thể trên hạm của hệ thống Sosna-R là Palash (phiên bản xuất khẩu được gọi là Palma), triển khai trên các tàu hộ vệ thuộc Project 11661E lớp Gepard 3.9, nên Sosna-R có lợi thế hơn so với Pantsir-S, về mặt đồng bộ vũ khí.

Hơn nữa, Sosna-R có thể được nâng cấp từ các hệ thống phòng không Strela-10 mà Việt Nam hiện đang sở hữu. Do đó, việc Sosna-R được Việt Nam lựa chọn mua sắm mới và nâng cấp là khả năng rất cao.

Xem clip giới thiệu về tính năng của Sosna-R: