Theo kế hoạch, Hải quân Việt Nam sẽ tiếp nhận 2 chiếc tàu hộ tống biến thể tác chiến chống ngầm (ASW) này vào năm 2017, nâng tổng số tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam lên 4 chiếc.
Hợp đồng mua 2 chiếc đầu tiên đã được ký kết vào năm 2006 và đã hoàn thành và được bàn giao cho Việt Nam vào tháng 3 và tháng 8 năm 2011, với tên gọi là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ. Lô 2 chiếc kế tiếp được ký kết vào tháng 2 năm 2013 và được khởi đóng vào tháng 9 cùng năm.

Hệ thống Palma
Hệ thống vũ khí cận chiến pháo/tên lửa Palma, bao gồm các tên lửa phòng không siêu âm 9M311 Sosna-R, 2 bệ pháo tự động 6 nòng AO-18KD 30mm và hệ thống kiểm soát hỏa lực đối phó điện tử đa kênh quang-điện 3V-89. Hệ thống điều khiển chủ yếu là quang điện tử với được trang bị radar. Vì thế nếu được trang bị hệ thống này thì Gepard 3.9 sẽ có uy lực rất mạnh.
Tuy nhiên, chưa có bất cứ xác nhận nào về việc trang bị vũ khí này từ phía Bộ Quốc phòng Việt Nam.

2 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 đầu tiên của hải quân Việt Nam
Tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 có thể hoạt động tác chiến độc lập hoặc trong đội hình biên đội tàu mặt nước chiến thuật hoặc trong đội hình tác chiến hỗn hợp tàu mặt nước - tàu ngầm hoặc trong đội hình tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng hải quân - không quân và bảo vệ bờ biển.
Tàu hộ tống lớp Gepard-3.9 có chiều dài 102,4 mét, rộng 14,4 mét, mớn nước 5,6 mét, trọng lượng giãn nước toàn tải 2.200 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ (53 km/giờ), bán kính tác chiến 4.000 km, thời gian hoạt động liên tục trên biển 15 ngày, và thủy thủ đoàn 98 người.
Vũ khí chủ lực của tàu là tên lửa đối hạm Kh-35 Uran E, dẫn đường bằng quán tính và radar chủ động, với tầm bắn tối đa 130 km và tốc độ bắn tối đa là 0,9 Mach (gần 1.100 km/giờ). Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống pháo hạm, phòng không, chống ngầm… tiên tiến.