Khám chữa bệnh tại nhà: Cung chưa gặp cầu

ANTĐ - Cùng với chất lượng cuộc sống và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, sự phát triển của những loại hình dịch vụ y tế mới như khám chữa bệnh tại nhà là rất cần thiết. Vấn đề là cần phát triển các dịch vụ này thế nào và quản lý ra sao?

Các trạm y tế thường vắng  do người dân có thói quen gọi thầy thuốc đến nhà khám khi đau ốm nhẹ


Nơi có phép thì không làm

Có thể nói, mô hình bác sĩ gia đình hay loại hình dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà không còn mới mẻ. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ này trong cộng đồng là có và ngày càng lớn, đó thường là những người già mắc bệnh mãn tính, bệnh chưa đến mức nguy hiểm phải nhập viện hoặc đã điều trị tại BV rồi được chỉ định về chăm sóc tại gia đình; đó là những người có điều kiện kinh tế hoặc cũng có thể là những người tàn tật, gặp khó khăn trong việc đi lại… Tuy nhiên tại Hà Nội, dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà được cấp phép còn rất hạn chế. Trái lại, những thầy thuốc, thầy lang hoạt động khám chữa bệnh tại gia đình nhưng không xin cấp phép lại rất phổ biến.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài cơ sở duy nhất ở địa chỉ 50C Hàng Bài được cấp phép và hoạt động khám chữa bệnh tại nhà, rất nhiều BV, phòng khám (cả công lập và tư nhân) khác trên địa bàn cũng đã dự kiến, thậm chí thông báo mở dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà như BV Thanh Nhàn, BV Phụ sản Trung ương, BV Hòe Nhai… Đây đều là những cơ sở y tế có đầy đủ chuyên môn, phương tiện phục vụ việc khám chữa bệnh tại nhà, nhưng vì nhiều lý do, đến nay hoặc chưa thực hiện được, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. TS.BS Trần Tử Bình, Giám đốc BV đa khoa Hòe Nhai cho biết, từ khi còn là một cơ sở y tế bán công, BV đã đưa ra tiêu chí thực hiện mô hình khám chữa bệnh tại nhà, tuy nhiên do nhân lực của BV còn thiếu, xe cứu thương còn thiếu nên hiện vẫn chưa thể triển khai.

Cách đây 2 năm, BV Phụ sản Trung ương đã bắt đầu cung cấp dịch vụ khám thai tại nhà, từ 7-19h hàng ngày, phục vụ những người có nhu cầu khám thai, chăm sóc sau sinh hoặc sau phẫu thuật. Bác sĩ sẽ đến nhà cùng với máy móc cần thiết, trong quá trình điều trị, nếu phát hiện sức khỏe bệnh nhân không ổn sẽ chỉ định đến BV để khám kỹ hơn. Thời gian đầu, số người được đáp ứng dịch vụ khá đông nhưng hiện nay, dịch vụ này đang ngày càng thu hẹp phạm vi và thời gian hoạt động, thường chỉ phục vụ những bệnh nhân trong bán kính trên dưới 10 km tính từ BV. Theo lý giải từ phía BV thì nguyên nhân chính cũng là do thiếu nhân lực.


Nơi làm lại… không phép

Trong thực tế, việc mời thầy thuốc, y sĩ, y tá, thầy lang đến khám chữa bệnh tại nhà hiện khá phổ biến. Điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng trưởng khoa Tim mạch-lồng ngực - BV Việt Đức cho biết, qua một chuyến đi khảo sát và khám chữa bệnh từ thiện tại một xã ở tỉnh Nam Định, anh chứng kiến cảnh trạm y tế xã luôn vắng tanh, trong khi 2 thầy thuốc trong xã, một là y sĩ quân y đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay, người còn lại chỉ được đào tạo qua một khóa học về y học cổ truyền lại… luôn đông khách, dù họ không hề xin phép chính quyền mở phòng khám. Những người dân trong xã, hễ ốm đau là gọi thầy đến khám, trừ khi nặng hoặc đã tiêm vài ngày không đỡ mới đi BV.

Tại Hà Nội, dù trình độ dân trí và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân cao hơn rất nhiều nhưng nếu để ý, ở bất cứ phường nào cũng có những y bác sĩ hoặc đơn giản là những người biết chút ít về ngành y cũng khám chữa bệnh tại nhà. Thường họ được người quen, họ hàng, hàng xóm láng giềng biết và mời đến chữa chứ không hề quảng cáo hay đăng ký biển hiệu, xin cấp phép hành nghề. Cứ thế, người này giới thiệu người kia. Chẳng hạn như tại địa chỉ 39x Trương Định, một cô hộ lý đã về hưu hơn chục năm nay treo biển quảng cáo tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà. Thế nhưng những người trong tổ dân phố đều biết, ngoài việc tắm, chăm sóc cho trẻ sơ sinh, bà hộ lý này còn kiêm thêm cả việc điều trị, tiêm, truyền dịch tại nhà cho rất nhiều bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng - BV Bạch Mai nhận định, không quá khi nói rằng đa số những thầy thuốc hành nghề khám chữa bệnh tại nhà theo yêu cầu của bệnh nhân  tại Hà Nội, nhất là ở các vùng nông thôn hiện nay vẫn là… hành nghề chui, không phép. Số này chủ yếu rơi vào các đối tượng y sĩ, bác sĩ đã nghỉ hưu, những y bác sĩ trẻ chưa có việc làm hoặc làm việc tại các phòng khám tư. Còn những y bác sĩ có trình độ, đang làm việc tại các BV, phòng khám hiếm khi đi khám chữa bệnh tại nhà.

Được biết, cách đây 5 năm, trường ĐH Y Hà Nội đã mở chuyên ngành đào tạo bác sĩ gia đình, thế nhưng số học viên sau khi tốt nghiệp hầu hết không hành nghề bác sĩ gia đình. Theo phân tích của những người trong ngành, người muốn hành nghề bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh tại nhà phải có ít nhất 18 tháng kinh nghiệm làm việc liên tục trong một BV, phải có đăng ký, biển hiệu phòng khám tại một địa chỉ cố định. Đây đều là những điều kiện không dễ có đối với các sinh viên mới tốt nghiệp, trong khi những người có đủ kinh nghiệm và điều kiện mở phòng khám lại ít khi có thời gian để hành nghề khám chữa bệnh tại nhà.

(Còn nữa)