Khắc phục tình trạng "bỏ phí" thẻ bảo hiểm y tế vì ngại thủ tục chuyển tuyến

ANTD.VN - Với chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT), người bệnh BHYT có thể lựa chọn bất cứ nơi khám chữa bệnh gần nhất (từ tuyến huyện trở xuống), mà không cần giấy chuyển tuyến, đặc biệt vẫn được hưởng mức chi trả BHYT như đúng tuyến…

Người bệnh được hưởng lợi nhờ thông tuyến BHYT

Thông tin từ Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, sau hơn 2 năm chính sách thông tuyến BHYT được áp dụng, đến nay đã có hàng triệu lượt người bệnh được hưởng lợi nhờ chính sách này. Mặt khác đã thúc đẩy các bệnh viện cùng tuyến trong cùng một địa phương đẩy mạnh phát triển chuyên môn kỹ thuật để thu hút người bệnh thay vì tư duy cứ ngồi đợi là người bệnh đúng tuyến phải tự tìm đến khám như trước.

Tuy vậy, cũng đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách thông tuyến BHYT ở tuyến quận/ huyện và xã/ phường để trục lợi quỹ BHYT. Bên cạnh đó, còn một bộ phận không nhỏ người bệnh vẫn chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHYT nói chung, quy định thông tuyến BHYT nói riêng, dẫn tới thực trạng có thẻ BHYT nhưng không sử dụng hoặc “bỏ phí” chỉ vì ngại thủ tục chuyển tuyến rườm rà, mất thời gian.

TS. Trương Xuân Trường, Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tiến hành thực hiện khảo sát hiểu biết của người dân tại một số địa bàn ở Hà Nội. Kết quả, với câu hỏi: “Từ 1/1/2016 mở thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện/xã cùng địa bàn tỉnh sẽ thuận lợi hơn cho người  tham gia?”, có tới 20,2% người được hỏi trả lời “không biết”, tương đương cứ 5 người thì có 1 người không biết về chính sách thông tuyến BHYT.

Giải đáp về chính sách này, bà Nguyễn Thị Tĩnh, Trưởng phòng BHYT của Hệ thống y tế Thu Cúc cho biết, theo quy định của Luật BHYT, người tham gia BHYT có nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến huyện sẽ được quyền khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT tại bệnh viện tuyến huyện (hoặc bệnh viện tư có áp dụng chính sách thông tuyến) trong cùng địa bàn tỉnh với mức hưởng như khi đi khám đúng tuyến.

Nói cách khác, thông tuyến huyện có nghĩa là người khám bệnh có thể đi khám chữa bệnh tại bất cứ bệnh viện huyện nào trong cùng một tỉnh đều được hưởng mức quyền lợi như nhau. Điều này giúp khắc phục tình trạng người bệnh đăng ký tham gia BHYT ở một nơi nhưng vì lý do nào đó phải đến nơi khác sinh sống, khi đau ốm lại phải quay về nơi đăng ký BHYT ban đầu xin giấy chuyển viện.

Tương tự, với những bệnh viện tư nhân, chính sách thông tuyến BHYT đã tạo ra cơ chế đột phá, giúp người bệnh có nhiều quyền lựa chọn cơ sở y tế khám chữa bệnh mà không cần quan tâm nhiều đến nơi đăng ký tham gia BHYT ban đầu.

Ngay cả với những người bệnh BHYT ở tỉnh thành khác có thẻ BHYT đăng ký khám ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã, chỉ cần có thêm giấy tạm trú/giấy giới thiệu công tác hoặc học tập tại Hà Nội thì cũng sẽ được hưởng BHYT như đúng tuyến khi vào khám tại các bệnh viện huyện hoặc bệnh viện tư áp dụng chính sách thông tuyến trên địa bàn.