Kẻng Mỏ - ngọn nguồn của sông Đà trên đất Việt

ANTĐ - “Chúng thuỷ giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu” - Hai câu đề từ trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân có sức hút ghê gớm với lớp thanh niên chúng tôi bởi chinh phục sông Đà là khao khát, là mong ước. Và để tới được Kẻng Mỏ - nơi dòng sông hung dữ vào loại bậc nhất Đông Dương bắt vào đất Việt chẳng phải là một việc dễ dàng.

Mọi con đường tìm về thượng nguồn các dòng sông đều gian truân cả. Chẳng ngoa khi nói chặng đường 60km đi từ Mường Tè - Pắc Ma - ngã ba Nậm Lằn - Trạm biên phòng Kẻng Mỏ tới cột mốc 17 nơi dòng sông Đà bắt đầu chảy vào Việt Nam là gian khổ bậc nhất. 

Và trước khi đến được Mường Tè, con đường chinh phục vẫn còn nhiều lắm những gian nan. Đầu tiên bạn phải vượt qua quãng đường 100km từ Lai Châu xuống hoặc từ Điện Biên lên tới ngã ba Mường Lay. Đây là nơi sông Đà gặp dòng Nậm Na, nơi gắn liền với những câu chuyện vừa hư vừa thực về vị vua Thái tên Đèo Văn Long. Đứng trên nền xưa dấu cũ của ngôi biệt thự xa hoa bậc nhất xứ Mường mà giờ chỉ còn là hoang phế, nhìn về phía ngã ba sông là một khoảng trời bình yên níu chân lữ khách. Rồi từ đây, cứ men theo sông mà đi tiếp 140km trên tỉnh lộ 127 là tới Mường Tè. Dọc con đường “đèo cao mây vờn” đẹp như tiên cảnh ấy, lữ khách đường xa cần phải hết sức cẩn trọng bởi một bên là vách đá dựng đứng, còn bên kia là vực sâu thăm thẳm với con sông Đà đỏ ngầu gầm lên đầy hung dữ, có những đoạn sông vách đá hai bên bờ đã bị bào mòn trơn nhẵn tạo nên những hình thù vô cùng kỳ thú.

Từ trung tâm huyện Mường Tè đi tiếp 40km qua Pắc Ma là tới ngã ba Nậm Lằn, rồi đi thêm 20km cuối là tới trạm biên phòng Kẻng Mỏ. Chỉ 20km thôi nhưng cũng đủ khiến bạn phải nhọc công vật lộn với con đường mà cũng chẳng phải là đường. Sau suốt 3 tiếng gầm gừ vờn bắt, ăn miếng trả miếng nhau trên từng khúc cua, lữ khách cũng tới được trạm Kẻng Mỏ. 

Trạm nằm ngay cạnh chiếc cầu treo bắc qua sông đầu tiên trên đất Việt. Mốc 17, nơi sông Đà nhập tịch Việt Nam, nằm sâu trong rừng bởi vậy còn phải qua cầu, đi thêm 5-6km nữa mới tới nơi. Từ biên giới Việt - Trung, điểm đầu tiên sông Đà đổ vào nước ta là núi Ma Su trên độ cao 1.500m (thuộc xã Mù Cả). Cách đây vài năm, phương tiện duy nhất để những người lính quân hàm xanh tuần tra cột mốc là xuồng, vì chưa có đường vào rừng. Xuồng qua những ghềnh đá dữ dội ấy thì âu cũng chẳng khác người lái đò sông Đà năm xưa nắm lấy bờm sóng mà đi. 

Giờ đây với các công trình thủy điện ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam độ hiểm dữ của con sông đã chìm vào những lòng hồ sâu thẳm nhưng dọc hai bên bờ những huyền tích vẫn còn như vang vọng mãi. Nơi cột mốc 17, ngắm nhìn dòng sông đang ầm ào cuộn chảy mà lòng chúng tôi không khỏi rộn lên niềm tự hào dành cho những người lính gắn mình với dòng sông này để canh giữ những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, điều mà chẳng có dòng sông hung dữ nào có thể cản được.