Cuộc săn đuổi toàn cầu cựu nhân viên CIA - Edward Snowden

“Kẻ phản bội nước Mỹ” hay "sự nổi dậy của của sự thật"?

ANTĐ - Tuần qua, báo chí thế giới và cả trong nước đều sôi lên với cuộc săn đuổi toàn cầu của nước Mỹ đối với “người thổi còi” Edward Snowden. 

Các thông tin về Snowden cũng được săn đuổi và cập nhật liên tục. Đích đến của Snowden cho đến giờ phút này vẫn đang là một ẩn số, những bí ẩn về hành tung cũng như địa điểm dừng chân tiếp theo của Snowden ngày càng làm Chính phủ Mỹ “bẽ mặt” và phủ bóng đen nghi ngờ lên quan hệ của Washington với các nước. Diễn biến mới nhất,  “kẻ phản bội nước Mỹ” đang được một số nước “mời chào” tị nạn chính trị và cho rằng hành động của Snowden là “sự nổi dậy của sự thật” và miêu tả hành động này là đại diện cho “một thứ gì đó đang diễn ra trong lòng giới trẻ nước mỹ”.

Nga và Venezuela mời Edward Snowden tị nạn

Trong một động thái bất thường, cả Chính phủ Nga và Venezuela đều có lời mời cựu điệp viên CIA Edward Snowden tị nạn chính trị ở đất nước mình.

Theo Hãng RIA Novosti, Thượng nghị sĩ Nga Ruslan Gattarov vừa gửi lời mời cựu điệp viên CIA Edward Snowden (người đang bị chính quyền Mỹ truy nã vì đã tiết lộ chương trình theo dõi tối mật) phối hợp với Moskva, để cùng tham gia hỗ trợ điều tra, xem liệu các công ty mạng internet của Mỹ đã cung cấp những thông tin gì về các công dân Nga cho Chính phủ Mỹ. “Chúng tôi mời Edward Snowden làm việc với hy vọng rằng, ngay khi anh ta giải quyết được vấn đề pháp lý, anh ấy sẽ hợp tác với các nhóm công tác của chúng tôi. Snowden sẽ trong vai trò của người cung cấp chính các bằng chứng về việc các cơ quan tình báo Mỹ đã, đang tiếp cận máy chủ của các công ty Internet”.

Lời đề nghị kể trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nga thành lập một nhóm điều tra đặc biệt với nhiệm vụ làm rõ các thông tin mà Edward Snowden đã cung cấp cho giới truyền thông trước đó. Thượng nghị sĩ Ruslan Gattarov là người đứng đầu nhóm điều tra phát biểu với Hãng tin RIA Novosti, cho biết, nhóm công tác gồm: các nghị sỹ, các nhà ngoại giao, công tố viên và các quan chức ngành truyền thông. Kết quả sơ bộ của cuộc điều tra sẽ được công bố trong tháng 10 tới.

Đặc biệt hơn, cùng ngày 27-6, ông Kirill Kabanov, quan chức thuộc Hội đồng Nhân quyền Nga vừa đề nghị Moskva cân nhắc về việc yêu cầu Chính phủ Nga cho phép Edward Snowden tị nạn chính trị tại Nga. Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Nga, ông Mikhail Fedotov cho biết, đề nghị của ông Kirill Kabanov sẽ được cân nhắc và đưa ra vào một cuộc bỏ phiếu. Khi trả lời Hãng tin Interfax, ông Mikhail Fedotov nhấn mạnh, nếu Edward Snowden ra mặt đề nghị, Tổng thống Nga Vladimir có thể sẽ xem xét. “Một người dám tiết lộ những bí mật mà các cơ quan đặc biệt giấu giếm, nếu những bí mật này là mối đe dọa đối với hàng triệu người thì nhân vật đó xứng đáng được tị nạn chính trị”.

Thượng Nghị sĩ John McCain cũng khẳng định trên CNN ngày 26-6: ông Putin vốn đã từng là một cựu điệp viên thời Xô viết, chắc chắn sẽ nắm lấy cơ hội này. Lev Korolkov, một cựu quan chức KGB, tiền thân của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) thời Xô viết nói: “Thật ngốc nghếch khi bỏ qua một cơ hội để có được những thông tin mà hầu như không thể hoặc rất tốn kém hoặc rất khó mới có thể có được bằng những con đường khác”. Giới quan sát nhận định rằng sự xuất hiện của cựu nhân viên CIA là “mỏ vàng từ trên trời rơi xuống” đối với giới tình báo Nga và Trung Quốc.

Tính đến ngày 29-6, cựu điệp viên CIA đã có 7 ngày cố thủ tại Nga. Đích đến tiếp theo của người này vẫn là một ẩn số lớn khi Ecuador khẳng định vẫn chưa xử lý đơn xin tị nạn của Snowden do anh ta chưa đến trình diện tại cơ quan ngoại giao của nước này. Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 28-6 thêm một lần nữa “mời chào” “kẻ phản bội nước Mỹ” đang bị Chính phủ này săn đuổi ráo riết. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng tuyên bố rằng, Snowden “gần như chắc chắn” được tị nạn chính trị ở đất nước mình nếu anh ta đệ đơn yêu cầu chính thức. “Nếu người thanh niên trẻ đó cần sự bảo vệ nhân đạo và tin rằng anh ta có thể đến Venezuela” thì Venezuela “sẵn sàng bảo vệ chàng trai trẻ dũng cảm theo một cách nhân đạo, để cho nhân loại có thể biết được sự thật”, và sự ngược đãi Snowden phải chịu sẽ kết thúc, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố. Ông cũng miêu tả hành động của Snowden là “sự nổi dậy của sự thật”, và nó đại diện cho “một thứ gì đó đang diễn ra trong lòng giới trẻ Mỹ”.

Trước đó, ngày 26-6, ông Maduro cũng từng nêu rõ trong một cuộc họp ở miền Trung Venezuela: “Cần phải có ai đó đứng ra bảo vệ Snowden. Những gì anh ta đã làm cho thấy một sự dũng cảm, lòng can đảm để thay đổi thế giới. Nếu anh ấy có yêu cầu được tị nạn ở đất nước chúng tôi, chúng tôi sẽ suy nghĩ, tuy nhiên gần như chắc chắn sẽ cho phép anh ta tị nạn bởi bản chất của việc tị nạn chính trị là nhiệm vụ của một tổ chức nhân quyền quốc tế nhằm bảo vệ người bị đàn áp”.

Về phần mình, theo Reuters đưa tin ngày 27-6, Tổng thống Barack Obama cho biết “vẫn còn lo ngại về các tài liệu khác” mà Edward Snowden có thể đã có, đồng thời nói rằng “không phải tất cả chúng đã được tiết lộ”. Tổng thống Mỹ thừa nhận Washington đang cố gắng bắt giữ Snowden, nhưng nhấn mạnh sẽ không dùng vũ lực và sẽ dẫn độ Snowden về nước xét xử thông qua các biện pháp hợp pháp. Tổng thống Barack Obama cũng nhấn mạnh, sẽ không liên hệ với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimia Putin về trường hợp của Edward Snowden bởi vụ việc này chỉ đơn thuần là một vấn đề pháp lý và không để chuyện này làm ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, ông Barack Obama vẫn mong muốn, một số nước có ý định cho Edward Snowden tị nạn chính trị cần hiểu rằng họ là một phần của cộng đồng quốc tế và cần hành động trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Điểm đến tiếp theo?

Điểm đến tiếp theo của Snowden, cựu nhân viên tình báo tiết lộ thông tin tuyệt mật về chương trình nghe lén nội địa của Chính phủ Mỹ, vẫn đang là một bí ẩn. Tuy nhiên, qua những thông tin mới nhất của RIA Novosti, Interfax và lời mời của Chính phủ Nga, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Snowden sẽ không thể tới nước thứ ba tị nạn, cho dù có được Quito cấp giấy phép tị nạn hay được Caracas mở rộng cửa chào đón. 

Thế nhưng, do những ràng buộc chồng chéo trong các nguyên tắc ngoại giao quốc tế, nên giải pháp khả thi nhất cho Snowden có lẽ là anh sẽ “tá túc” hẳn trong sân bay Sheremetyevo, giống như một nhà bất đồng chính kiến của Iran từng sinh sống tại sân bay Charle de Gaulle của Pháp trong suốt hơn 10 năm trời. 

Như vậy, vụ Snowden hiện là vố đau nhất đối với tình báo Mỹ kể từ vụ viên chức cấp cao FBI Robert Hanssen đánh cắp tài liệu bán cho Liên Xô từ năm 1979. Hậu quả lẫn cái giá phải trả của vụ Snowden, ở thời điểm này, còn chưa định lượng được. Mỹ còn đau đầu vì Snowden có thể công bố thêm các tài liệu mật nữa. Chẳng ai rõ trong tay Snowden có bao nhiêu tài liệu tình báo mật chỉ biết rằng hàng nghìn tài liệu mật mà Snowden đang sở hữu, nếu được công bố, sẽ làm tê liệt khả năng giám sát của Mỹ trên toàn thế giới. Chính vì thế việc Snowden trốn thoát và bặt vô âm tín, Mỹ đang phải đối chọi với rất nhiều mối lo cả trong nước và quan hệ ngoại giao.

Cha của Edward Snowden ra điều kiện để con trở về Mỹ

Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder ngày 28-6, ông Lonnie Snowden - cha của cựu điệp viên CIA Edward Snowden khẳng định, ông hoàn toàn tin tưởng con trai mình sẽ quay trở về Mỹ nếu được đáp ứng một vài điều kiện nhất định.

Kênh truyền hình NBC dẫn lời ông Lonnie cho biết, những điều kiện ông Lonnie muốn nói đến đó là “sự bảo đảm chắc chắn” các quyền của con trai ông sẽ được bảo vệ. Cụ thể là 3 điều kiện sau đây: Edward Snowden sẽ không bị giam giữ hoặc bị phạt tù trước khi bị đưa ra xét xử;  Edward được tự do ngôn luận và được quyền chọn địa điểm tổ chức phiên xét xử. Ông Lonnie cũng yêu cầu vụ án của cậu con trai Edward Snowden phải bị hủy bỏ, nếu bất kỳ điều kiện nào trong 3 điều kiện nêu trên bị vi phạm. 

Trước đó cũng trong ngày 28-6, ông Lonnie Snowden khẳng định trên Kênh NBC News rằng, từ tháng 4 đến nay, ông vẫn chưa một lần nói chuyện với con trai - tức là một tháng trước khi cựu nhân viên CIA bỏ trốn sang Hồng Kông (Trung Quốc), sau khi tiết lộ với truyền thông những thông tin chi tiết về chương trình giám sát điện thoại và Internet của Chính phủ Mỹ. “Tôi yêu con mình. Tôi hy vọng có cơ hội liên lạc với con. Tôi không muốn con mình gặp nguy hiểm”, ông Lonnie chia sẻ.

Ông Lonnie phủ nhận cáo buộc Edward là kẻ phản quốc mặc dù đúng là Edward đã vi phạm luật pháp Mỹ khi tiết lộ chi tiết về các chương trình giám sát liên bang. “Con tôi đã phản bội Chính phủ, nhưng tôi không tin con mình phản bội người dân Mỹ”, ông Lonnie nói.

Ông Lonnie cũng bày tỏ lo ngại rằng, có thể Edward đang bị lợi dụng bởi WikiLeaks, tổ chức đã trợ giúp pháp lý cho cựu điệp viên CIA. “Tôi quan ngại về những người quan hệ với con trai mình. Nếu nhìn lại lịch sử, mối quan tâm của WikiLeaks không phải là Hiến pháp Mỹ. Đơn giản, họ chỉ muốn tiết lộ lượng thông tin nhiều nhất có thể”, ông Lonnie trả lời NBC.