Kẻ giết người yêu cũ trên đường phố Hà Nội ra đầu thú có được giảm nhẹ tội?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ giết người yêu cũ trên đường phố Hà Nội nhiều người đặt câu hỏi, kẻ thủ ác có thể phải đối diện mức án nào? Việc đối tượng ra đầu thú có được giảm nhẹ tội?

Theo thông tin ban đầu, kẻ sát hại người yêu cũ tại phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, Hà Nội là Hoàng Văn Thành (SN 1998), quê ở Thái Nguyên và nạn nhân là chị U.T. P (SN 2003). Cả hai từng có mối quan hệ tình cảm từ năm 2020. Trong cơn ghen tuông mù quáng, Thành đã tấn công người yêu cũ bằng chân, tay và dao.

Mặc chị P giãy giụa, kêu cứu, Thành vẫn dùng dao đâm nhiều nhát lên người nạn nhân trước sự chứng kiến của anh D (người đang tìm hiểu chị P). Chứng kiến sự việc, anh D can ngăn nhưng đã bị Thành dùng dao tấn công lại.

Sau 48 giờ lẩn trốn, ở khu vực phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Thành đã đến CAQ Thanh Xuân đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Đối tượng Hoàng Văn Thành tại cơ quan công an

Đối tượng Hoàng Văn Thành tại cơ quan công an

Phân tích vụ việc trên, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi phạm tội của nghi phạm là đặc biệt nghiêm trọng, đã tước đoạt quyền được sống của người khác nên sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Qua thông tin ban đầu, chỉ vì mâu thuẫn tình cảm, ghen tuông, nghi phạm đã dùng dao chém hàng chục nhát nên thân thể người yêu cũ cho thấy việc ra tay hết sức táo tợn, dã man và mất hết nhân tính. Nó thể hiện sự côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật, có dấu hiệu của Tội giết người.

Điều 123 BLHS 2015 quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn… thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Đối chiếu với quy định trên, nếu đối tượng đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Về việc đối tượng đã có hành vi giết người nhưng ra đầu thú, luật sư Hồng Vân cho rằng, Điều 51 BLHS 2015 sửa đổi quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gồm:

Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi; Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…

Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Như vậy, theo quy định như trên, việc đối tượng ra đầu thú có thể là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên việc quyết định phụ thuộc vào Tòa án có thẩm quyền - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.