Kê cho bớt lệch

ANTĐ - Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về các chỉ số kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay vừa được công bố và nhận định của tờ Wall Street Journal, phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam đang ngày càng giãn rộng. Khoảng cách này giãn ra một phần do thu nhập của người nghèo đang bị lạm phát và giá cả đắt đỏ “ăn mòn” dần. Trong khi đó, số triệu phú đô la của Việt Nam đang tăng mạnh.

Phản ánh bức tranh giàu nghèo, có thể dẫn chứng một gia đình lao động nghèo ở TP.HCM gồm vợ chồng và 2 con nhỏ. Tổng thu nhập một tháng của họ không quá 5 triệu đồng. Trong đợt “bão giá” này, sau khi trừ mọi chi phí như thuê nhà trọ, điện nước, ăn uống, tiền học... hai vợ chồng chỉ ky cóp được 500 nghìn đồng gửi về quê cho mẹ già. Từ đầu năm đến nay, gia đình 4 miệng ăn này làm không đủ ăn nên mỗi tháng phải vay thêm 1 triệu đồng với lãi suất 15% để “duy trì” cuộc sống.

Đó là chưa kể chuyện ốm đau, rủi ro cũng như hàng “mớ” việc phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Tương phản với bức tranh người nghèo là một gia đình cũng ở thành phố thu nhập cao nhất nước này. Chồng là tổng giám đốc của công ty nước ngoài có mức lương khoảng 8.000-10.000 USD/tháng. May mắn hơn, anh ta còn tìm được “lối đi” riêng để làm ăn. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay anh ta đã kiếm được lợi nhuận xấp xỉ 2 triệu USD. Số phận còn tiếp tục “mỉm cười” với người giàu khi vợ làm sếp của một công ty tư vấn du học nước ngoài, doanh thu sau thuế khoảng vài tỷ đồng. Gia đình 5 người sống quá “khỏe”, lại còn “viện trợ” cho cả song thân phụ mẫu.

Chưa hết, ngay trong lạm phát họ còn “nâng đời” ô tô con lên loại giá hơn 1,2 tỷ đồng. Thật là quá khập khiễng khi đặt hai bức tranh giàu nghèo bên cạnh nhau. Vừa qua, tờ Wall Street Journal đã ông bố kết quả khảo sát của 2 công ty lớn của Mỹ, cho thấy số lượng các triệu phú USD tại châu Á trong nửa đầu năm 2011 tăng ngoạn mục, đặc biệt Hông Kông và Việt Nam cùng tăng tới 30% so với cùng kỳ năm 2010 và cao nhất châu Á. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, số hộ nghèo của cả nước đã tăng lên 1 triệu hộ, tăng 50% sau khi mức chuẩn nghèo đã được điều chỉnh. Như vậy, hiện số hộ nghèo là 3.055.566 hộ và số cận nghèo là 1.612.181 hộ.

Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mức độ phân hóa giàu nghèo ngày càng doãng ra, sâu hơn. Chênh lệch giàu nghèo ở nước ta đã lên tới 9,2 lần, khoảng cách này đã nới rộng ra so với mức 8,9 lần giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất được khảo sát hồi năm 2008. Đặc biệt, về chi tiêu nhóm hộ giàu nhất có mức chi tiêu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ngoài ăn uống lớn gấp 7,5 lần so với nhóm hộ nghèo nhất. Trong đó, chi về nhà ở, điện nước, vệ sinh gấp 11,7 lần; chi về trang thiết bị và đồ dùng gia đình gấp 5,8 lần; chi cho văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí gấp tới 131 lần...

Dự kiến chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng cuối năm, Vụ trưởng Vụ Thống kê cho rằng, mùa mưa bão sẽ khiến lương thực, thực phẩm tăng giá, tác động cộng hưởng tới việc tăng giá xăng dầu, than, điện trước đó chắc chắn gây áp lực lớn lên lạm phát. Khoảng cách giàu nghèo, độ chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư, không chỉ ở nước ta mà cả các nước trên thế giới cũng không thể kê cho bằng. Chỉ có một chiến lược, chính sách an sinh xã hội căn cơ và lâu dài cùng với tăng trưởng kinh tế bền vững mới hy vọng thu hẹp khoảng cách, giảm bớt độ chênh lệch bất hợp lý, nhất là trong bối cảnh lạm phát, thiểu phát hoặc suy thoái kinh tế.