J-15 Trung Quốc không phải đối thủ của Su-30 MK2

ANTĐ - Năng lực tác chiến của hàng không mẫu hạm được xây dựng trên cơ sở thực lực của tiêm kích hạm mà chủ yếu là vũ khí, trang bị trên máy bay. Trang mạng Defence News của Mỹ ngày 28-09 đã có bài viết cho rằng, tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc không thể địch lại máy bay chiến đấu Su-30MK2 của một số nước Đông nam Á.

Defence News cho rằng, do những hạn chế của đường băng kiểu cầu bật trên tàu sân bay Liêu Ninh nên lượng bom đạn mà J-15 mang theo rất hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tác chiến. Các chuyên gia cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến lượng chất tải của máy bay không chỉ xuất phát từ phương thức cất cánh mà một yếu tố cũng rất quan trọng là trọng lượng tên lửa mà nó cho phép mang theo.

Defence News phân tích, với tải trọng hữu ích rất thấp, sau khi đã nạp đầy nhiên liệu, J-15 chỉ mang được vẻn vẹn 2 tấn vũ khí. Ngoài 2 quả tên lửa chống hạm YJ-83K, nó chỉ có thể lắp đặt tối đa 2 quả tên lửa đối không. Trong khi đó, trọng lượng của tên lửa đối không tầm trung PL-12 lại quá nặng nên J-15 không thể mang theo loại tên lửa này mà chỉ có thể mang theo được tên lửa đối không tầm ngắn PL-8.

Khi không thể mang theo PL-12, với hạn chế về tầm phóng tên lửa không đối không như vậy, J-15 không thể đấu lại với các tiêm kích hạm khác, thậm chí nó còn không phải là đối thủ của các tiêm kích đánh biển Su-30MK2 mà một số quốc gia Đông nam Á đang sở hữu, được trang bị các loại tên lửa không đối không tầm trung của Nga có tầm bắn và tính năng vượt trội PL-8.

Tên lửa PL-12 có tầm phóng thực tế 70km và chưa được kiểm chứng chất lượng không thể sánh được với tên lửa Vympel R-27 (NATO: AA-10 Alamo) và Vympel R-77 (RVV-AE) (NATO AA-12 Adder) của hãng Vympel có tầm phóng trên dưới 100km.

J-15 Trung Quốc

Cùng với hạn chế về lượng bom đạn, J-15 có thể còn không mang nổi khoang điện tử. Điều này sẽ làm cho khả năng tấn công chính xác của số vũ khí vốn đã ít ỏi càng giảm đi rõ rệt. Để hoàn thành một nhiệm vụ đơn giản là tấn công đối hải, Liêu Ninh phải huy động thêm nhiều tiêm kích hạm để đảm nhận thêm nhiệm vụ đánh chặn các máy bay chiến đấu của địch, đó là một sự lãng phí tài nguyên vũ khí rất lớn.

Bài báo phân tích, nguyên nhân chủ yếu là do tàu sân bay của Trung Quốc thiết kế theo kiểu cầu bật, trong khi họ lại không có máy phóng, làm hạn chế trọng lượng cất cánh tối đa của tiêm kích hạm. Ngoài ra, kích thước của Liêu Ninh cũng tương đối nhỏ làm hạn chế chiều dài của đường băng, dẫn đến tiêm kích hạm hạng nặng không tích lũy đủ tốc độ trước khi rời mặt boong.

Kinh nghiệm từ thời Liên Xô đã cho thấy, đối với loại tàu sân bay kích thước như vậy, để đạt được trọng lượng cất cánh tối đa 26 tấn đối với một tiêm kích hạm đã là rất khó. Vì vậy, ngay sau khi Su-33 ra đời, người Nga đã phải quay sang phát triển loại tiêm kích hạm hạng nhẹ MiG-29K có trọng lượng cất cánh tối đa thấp hơn Su-33. Loại máy bay này sẽ được Nga dùng để thay thế dần dần Su-33 và xuất khẩu cho hải quân Ấn Độ.

J-15 Trung Quốc không phải đối thủ của Su-30 MK2  ảnh 2

Tiêm kích hạm J-15 Trung Quốc vừa hoàn tất thử nghiệm cất,
hạ cánh trên tàu sân bay với đầy đủ vũ khí

Defence News cho rằng, nếu chỉ mang được tải trọng vũ khí có 2 tấn, nếu trang bị đa nhiệm cho cả đối hải và đối không thì J-15 rất dễ bị máy bay khác tiêu diệt trước khi hoàn thành nhiệm vụ tấn công biên đội tàu. Bởi vậy, Trung Quốc chỉ có thể tùy theo yêu cầu nhiệm vụ để mang theo tối đa một loại vũ khí chuyên biệt với số lượng máy bay gấp đôi mới có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ riêng rẽ.

Trong trường hợp này, một số J-15 sẽ mang theo PL-12 để tranh đoạt quyền kiểm soát trên không với các tiêm kích hạm và tiêm kích đánh biển và một số khác trang bị tên lửa đối hạm YJ-83K để tấn công tàu thuyền. Như vậy, nếu muốn tấn công một biên đội tàu có tiêm kích hộ tống hoặc biên đội tàu sân bay thì Trung Quốc sẽ phải tăng thêm số lượng J-15 để một số chiếc chuyên làm nhiệm vụ đánh chặn, số khác thì tấn công đối hải.

Cách thứ 2 mà người Trung Quốc có thể sử dụng để tăng cường lượng vũ khí mang theo là giảm lượng dầu cần thiết, như vậy bán kính tác chiến của J-15 vốn đã ngắn lại càng ngắn hơn, dẫn đến phạm vi tác chiến bị thu hẹp rõ rệt. Vì vậy xét về tổng quát nó không hơn được loại tiêm kích nào, xét từng tham số và tính năng riêng rẽ nó cũng đều thua sút. Chính vì vậy, hiện Trung Quốc đang dốc sức nghiên cứu, chế tạo máy phóng nhằm tăng cường khả năng chất tải vũ khí cho J-15.