Im lặng để lắng nghe

ANTĐ - Bố mẹ chồng của Verra vừa trở về sau chuyến du lịch dài ngày, ông bà than thở về những việc không thuận lợi trong chuyến đi như: tắc đường, xe bị hỏng mấy lần khi thì giữa đồng không mông quạnh, khi thì giữa trời nắng như đổ lửa… Verra nghe rồi thốt lên: “Thật khủng khiếp!” và cô nghĩ ngay đến lần hỏng xe giữa đêm khuya của mình năm ngoái và cũng muốn góp chuyện. 

Vừa mới định kể chuyện thì có điện thoại và sau cuộc điện thoại, mẹ chồng Verra nói với cô: “Cảm ơn con vì đã lắng nghe, nhưng mẹ cảm ơn nhất vì con đã không kể câu chuyện về chiếc xe bị hỏng tồi tệ kia”. Mặt Verra nóng bừng vì ngượng, cô nhớ lại không biết bao nhiêu lần cô đã ngắt lời bạn mình để kể chuyện tương tự của mình khi họ tìm đến cô để tâm sự. Mẹ chồng Verra thấy cô bối rối, bà đến bên cạnh và nói: “Những khó khăn, rắc rối hay buồn lo của mỗi người chỉ giống  nhau ở một mặt nào đó, còn về cụ thể chúng muôn màu muôn vẻ như những dấu vân tay vậy. Chúng ta thường bị nhầm lẫn giữa: Tôi hiểu cảm giác của bạn vì tôi cũng đã trải qua điều đó với sự cảm thông thật sự và thay vì việc lắng nghe, cảm thông hay xoa dịu, chúng ta lại bảo họ lúc ấy lẽ ra nên làm thế này, thế kia. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác, lúc con đang trong hoàn cảnh ấy, con có muốn nghe những việc của người khác đã xảy ra rồi hay không?”. Verra hiểu ra và cô thầm cảm ơn mẹ chồng đã dạy mình kinh nghiệm sống thực sự quý giá.

Khi gặp khó khăn, buồn nản, bối rối hay hạnh phúc, điều ta mong muốn nhất chính là sự sẻ chia của một người sẵn sàng lắng nghe ta nói. Lắng nghe để đồng điệu với nỗi đau hay niềm vui của người khác mới là biểu hiện của sự cảm thông thực sự. Không phải lúc nào chúng ta cũng mong đón nhận những câu trả lời hoặc những lời khuyên nhủ. Đôi khi chỉ cần một ai đó im lặng lắng nghe, thế là đủ.