Huyện Thanh Trì: Hiệu quả từ mô hình đảm bảo an ninh nông thôn

ANTĐ - Với việc triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng xã, thị trấn an toàn về an ninh nông thôn”, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia, bước đầu đạt được hiệu quả cao trong trong công tác đảm bảo giữ vững và ổn định ANCT, TTATXH  trên địa bàn...

Huyện Thanh Trì: Hiệu quả từ mô hình đảm bảo an ninh nông thôn ảnh 1
Giải quyết các việc liên quan đến ANTT theo cơ chế “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”
luôn được các cấp chính quyền cơ sở coi trọng 

Trước tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo sự tăng dân số trên địa bàn,  huyện Thanh Trì đã phát sinh những phức tạp về ANTT mà nổi lên là những tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân liên quan đến giải phóng mặt bằng; hoạt động của các loại tội phạm và TNXH có xu hướng gia tăng ảnh hưởng tới TTATXH. Với trách nhiệm là lực lượng nòng cốt  trong công tác đảm bảo ANTT, CAH Thanh Trì đã tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo chính quyền và nhân dân cơ sở triển khai thực hiện nhiều mô hình, chuyên đề phòng ngừa, khắc phục những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến mất ổn định an ninh nông thôn.

Trong số những chuyên đề đó, mô hình “Xây dựng xã, thị trấn an toàn về an ninh nông thôn” với những giải pháp hợp lý, phù hợp thực tiễn địa bàn đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia, bước đầu  đạt được những kết quả quan trọng trong công tác đảm bảo giữ vững và ổn định ANCT, TTATXH. Từ con số trên 50% điểm, xã, thị trấn phức tạp về an ninh nông thôn, sau khi triển khai thực hiện chuyên đề từ năm 2008 đến nay, toàn huyện Thanh Trì đã có trên 80% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn “Xã, thị trấn an toàn về ANNT”.

Theo ông Vũ Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, để  chuyên đề “Xã, thị trấn an toàn về ANNT” được triển khai và áp dụng ở địa phương, chính quyền huyện Thanh Trì đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến tham góp của các chuyên gia, lãnh đạo chính quyền cơ sở, các ngành, đoàn thể, các nhóm dân cư ở địa phương và các phòng nghiệp vụ của CATP Hà Nội, từ đó thống nhất 6 tiêu chí cụ thể để làm căn cứ đánh giá tiêu chuẩn “Xã, thị trấn an toàn về ANNT”. Trong 6 tiêu chí này, tiêu chí xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là cốt lõi, là tiền đề cho nhân dân kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của chính quyền cấp cơ sở trong việc xây dựng đơn vị  an toàn về an ninh nông thôn. 

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở mà trọng tâm là thực hiện công khai, minh bạch công tác quản lý kinh tế tài chính, quản lý đất đai, quy hoạch sử dụng đất, chính sách  giải phóng mặt bằng, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân... theo cơ chế “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đã tạo sự tin tưởng của nhân dân vào cấp chính quyền, từ đó tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Qua 5 năm triển khai thực hiện, mô hình “Xã, thị trấn an toàn về ANNT” ở huyện Thanh Trì đã ghi nhận: Số xã, thị trấn đạt tiêu chí an toàn về ANNT năm sau cao hơn năm trước: Năm 2008, năm 2009 là 9 đơn vị, năm 2010 là 10, năm 2011 là 11, năm 2012 là 12 đơn vị được công nhận “xã, thị trấn an toàn về ANNT”. Đánh giá cao hiệu quả chuyên đề đảm bảo an ninh nông thôn triển khai ở huyện Thanh Trì  mang tính khoa học, Bộ Công an đã chỉ đạo nhân rộng trong toàn quốc để học tập kinh nghiệm...