Bí ẩn cách dùng độc của người Cơ Tu (1):

Huyền bí chất kịch độc - "thần hộ mệnh" Bhlih

ANTĐ - Trong cộng đồng người Cơ Tu ở miền tây tỉnh TT- Huế, từ hàng trăm năm nay, chất độc bhlih và melangy đã trở thành “báu vật” bí truyền giúp họ trên bước đường mưu sinh, chinh phục sức mạnh tự nhiên của loài dã thú. Và, khi bản làng có giặc, chất độc bí truyền đó đã trở thành vũ khí lợi hại để giết giặc, giữ đất giữ làng…

Chất độc bhlih và melangy đến nay chỉ tồn tại trong trí nhớ bàng bạc như trời chiều ở miền sơn cước của những già làng, trưởng bản lớn tuổi của người Cơ Tu. Chính sự huyền bí và nguy hiểm nên trong luật tục của người Cơ Tu, chất độc này không được truyền cho người ngoài, chỉ những người đàn ông là thợ săn trụ cột trong gia đình mới được dùng đến.

Bí quyết tinh luyện

Ngược lên miền tây của tỉnh TT- Huế, đến xã Hưng Nguyên, huyện A Lưới, trời đã ngã về chiều. Bà con Cơ Tu sau một ngày mệt nhọc trên nương rẫy đã vác a chói trở về. Bản làng đã rộn tiếng chày giã gạo trong ánh lửa bập bùng chiều hôm. Gặp ông Lê Đức Thu- Chủ tịch UBND xã Hưng Nguyên để hỏi về chất độc bí truyền của người Cơ Tu, ông xua tay: “Không được mô, cái đó chỉ mấy vị già làng hay thợ săn mới biết, mà có biết thì họ cũng không nói bởi nó không truyền cho người ngoài, rất nguy hiểm”. Với ý định tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc cũng như giải mã về chất độc bhlih và melangy, sau một hồi “năn nỉ”, vị chủ tịch xã đã xuôi lòng.

Chiếc nỏ bắn mũi tên tẩm chất độc giết thú dữ, một trong những vũ khí
được thợ săn Lê Văn Trưa dùng thời trai trẻ

Ông dẫn chúng tôi đến gặp người cựu chiến binh già Lê Văn Trưa (74 tuổi, thôn Dong). Ông Trưa vốn là thợ săn “nức tiếng” một thời của vùng đất này. Ông kể: “Với thợ săn người Cơ Tu, họ rời bản làng từ lúc sáng sớm và trở về lúc chiều tối bởi trên cung tên, sau ống tre vác trên lưng chứa đầy các chất cực độc nên rất ít khi để người dân trong bản nhìn thấy. Để tinh chế được chất độc bhlih và melangy phải qua nhiều công đoạn, trong đó nhận dạng lá cây rừng thì chỉ có những người đàn ông có uy tính trong bản làng mới biết được”.
Từ nhỏ, ông Trưa đã theo bố lên rừng để theo nghiệp đi săn. Lớn lên, khi đã tự vào rừng săn một mình được, ông bắt đầu được học cách chế biến, nhận dạng loại cây làm nên thứ chất độc này. Theo ông Trưa, chất melangy được chiết suất từ lá loại cây rừng cùng tên, đồng bào Cơ Tu thường gọi là cây ngon. Loại cây này phân bố chủ yếu ở những cánh rừng giáp với nước Lào, chúng mọc không dày, thân leo khá cứng, lá to bằng bàn tay người.
Thuở trước, khi bản làng Cơ Tu mới thành lập, những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, nguồn nước giữa dân tộc Cơ Tu với các dân tộc khác, những trai tráng khỏe mạnh trong làng thường được huy động băng rừng cả tuần liền đi hái lá cây ngon về tinh chế rồi trộn trực tiếp vào thức ăn, nước uống để đầu độc đối phương. Đến nay, số người biết đến chất độc này cũng đã ít dần, ngay như ông Trưa cũng chỉ nhớ máng máng về loại cá cây tinh chế nên chất độc melangy, vì từ lâu ông đã không dùng đến.

Cùng với truyền thống chống giặc giữ làng, lễ hội đâm trâu của người Cơ Tu
là một trong những nét văn hóa lịch sử đặc sắc

Loại chất cực độc thứ hai mà người Cơ Tu hay dùng là bhilh, chất này với đặc tính với hàm lượng độc cực mạnh, được người Cơ Tu dùng để săn các loài thú lớn như hổ, báo… Chất bhilh được chế tác từ nhựa có màu trắng của vỏ cây bhilh. Tương truyền, đây là chất độc của những bộ tộc người Lào sống sát biên giới người Việt, qua quá trình tiếp xúc, giao thương với đồng bào Cơ Tu ở các xã sát biên giới như Nhâm, A Đớt, A Ngo, người Cơ Tu đã học được để dùng săn thú. Cách chế tác chất độc này thật công phu. Người Cơ Tu trước khi đi săn thú, họ lên rừng kiếm vỏ cây bhilh mang về giã nhuyễn nấu cô lại thành cao rồi bỏ trong ống lồ ô (loại tre thân mỏng, rỗng ruột bên trong). Mỗi sáng thức dậy, người thợ săn nhổ thêm nước bọt vào trong ống tre làm độc tính của chất độc bhilh càng thêm tăng mạnh, giết các loài thú rừng chỉ trong chốc lát. Mỗi lần đi săn, các thợ săn hơ ống tre vào lửa, chất độc bhilh với màu nước đen sền sệt sẽ chảy ra đầu ống tre, “quết” tròn, đều lên mũi tên dùng để bắn thú dữ…

Lễ hội đâm trâu cúng Giàng của người Cơ Tu

Gắn với những truyền thuyết

Theo lời ông Lê Văn Pinh (tên thường gọi là Quỳnh Thu, thôn Dong), chất độc bhilh có 2 loại. Với thời bình, loại chất cực độc, với hàm lượng độc tính cao dùng để bắn các loài thú lớn. Khi con thú trúng độc, miệng chúng thường “ói” rồi ngã lăn ra chết mà trên vết thương không có lấy một giọt máu. Còn trong chiến tranh tranh giành lãnh thổ hay nguồn nước uống, để giải quyết những mâu thuẫn, cộng đồng người Cơ Tu thường dùng thứ chất cực độc này để hạ sát đối thủ. Loại độc tính thấp hơn thường được tinh chế với hàm lượng ít loại vỏ cây bhilh và pha loãng với nước suối. Chất độc này dùng để săn các loại thú nhỏ. Khi con vật trúng độc, người thợ săn không tấn công cho con vật chết liền mà để nó bỏ chạy một quảng đường, họ đuổi theo cho đến khi con vật kiệt sức vì độc tố rồi “ban” cho nó thêm mũi lao ân huệ!
Theo nhiều già làng người Cơ Tu ở Hưng Nguyên, cách săn thú này thể hiện sức mạnh chinh phục tự nhiên, trở thành “luật rừng” không thành văn của người thợ săn. Chất độc bhilh gắn với nhiều truyền thuyết trong chiến tranh giữa người Cơ Tu với cộng đồng các dân tộc khác.
Bên ánh lửa bập bùng giữa sàn nhà, ông Quỳnh Thu kể về những truyền thuyết gắn liền với chất độc bhilh. Ông bảo: “Do thời trước người Cơ Tu chưa biết đến chữ viết nên nhiều mẫu chuyện về truyền thuyết gắn với chất độc bhilh chỉ truyền miệng qua đời này đến đời khác, vì thế đến nay chỉ những người già sắp về với tiên tổ mới biết những câu chuyện này".

Lễ tế Giàng của người Cơ Tu là một trong những nét văn hóa đặc sắc còn lưu lại

Từ thời xa xưa, người Cơ Tu định cư ở phần đất nay thuộc biên giới nước Lào. Họ làm nhà sàn lợp mái tranh để đề phòng thú dữ, khai phá nương rẫy để có lương thực. Một hôm, bản làng không được bình yên nữa khi xuất hiện con thú dữ khổng lồ, đã bắt mất nhiều bà con dân bản cũng như trâu, bò trong làng. Có hai anh em nhà nọ bố và mẹ đều bị thú dữ sát hại. Họ căm phẫn, bỏ lên rừng quyết tìm cho được con thú dữ để trả thù. Họ vót cây làm giáo, đào hầm chông, dùng vật nuôi làm mồi nhử để bắt thú dữ. Thế nhưng, con thú quá tinh ranh và khỏe mạnh, đã mắc bẫy nhiều lần nhưng vẫn vẫy vùng trốn thoát. Trong khi ở bản làng sát biên giới nước Việt, hằng đêm bà con phải đóng cửa, nổi lửa xua thú dữ; ban ngày thì không dám lên nương rẫy làm ăn.
Một hôm, sau nhiều tháng liền mai phục đủ cách, hai anh em nhà kia dường như đã nản thì họ phát hiện nhiều loại thú nhỏ sau khi đến gần một loại cây đang chảy nhựa màu trắng đều lăn ra chết. Họ đoán đó là nhựa cây có chứa chất độc. Hai anh em liền mang cung tên, tẩm thuốc, lấy vật nuôi làm mồi nhử. Đến đêm, con thú xuất hiện liền bị hàng chục mũi tên bắn vào người, sau một hồi gầm rú rồi lăn ra chết. Từ đó, bản làng được bình yên, người Cơ Tu đặt tên cho loại chất độc bhilh là “thần hộ mệnh”.

''Với người Cơ Tu, chất độc bhlih và những truyền thuyết đánh giặc giữ làng đã trở thành một truyền thống, nét văn hóa đẹp''- ông Lê Đức Thu, Chủ tịch UBND xã Hưng Nguyên nói

Câu chuyện thứ hai được ông Pinh kể với niềm tự hào của dân tộc mình. Thời xa xưa, khi bản làng người Cơ Tu sống ven dòng A Sáp. Họ lấy những triền dốc để làm lúa, sông A Sáp cho họ con cá, dòng nước uống. Một hôm xuất hiện một bộ tộc di cư từ bên kia bên giới, họ chiếm đất, gây chiến tranh và giết hại nhiều đồng bào Cơ Tu. Các già làng liền dùng kế hoãn binh, họp thanh niên trai tráng trong làng, nhanh chóng lên rừng kiếm nhiều vỏ cây Bhilh mang về giã nhuyễn, rồi cho người bí mật trộn vào thức ăn của bộ tộc nọ, chỉ sau một đêm, nhiều lính tráng đã bị trúng độc chết, số còn lại phải dắt díu nhau trở về biên kia biên giới. Từ đó, người bản làng người Cơ Tu được bình yên…

 Bhlih và Melangy là những loại cây rừng, mọc ở vùng núi cao nằm sát biên giới Việt- Lào. Vỏ và lá của các loại cây này được người Cơ Tu mang về tinh chế bằng nhiều phương thức. Trong đó, tùy theo mức độ của chất độc được ứng dụng vào các mục đích khác nhau, tùy theo người sử dụng mà quá trình thêm thắt các nguyên liệu như nọc độc rắn, mồ hóng trên bếp, quá trình ủ, phơi sương và chế biến cũng khác nhau.

(Còn nữa)