Hướng tới kỳ thi THPT quốc gia: Thi thử như thật

ANTĐ - Ngày 21-4, toàn bộ học sinh lớp 12 của Hà Nội đã hoàn thành khảo sát 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Việc Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra đề khảo sát sẽ giúp các trường có cái nhìn thực chất về năng lực của học sinh trước khi các em bước vào kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 7 tới.

Hướng tới kỳ thi THPT quốc gia: Thi thử như thật  ảnh 1Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức đánh giá học sinh lớp 12 trên mặt bằng chung toàn thành phố

Đề tương đối khó

Kết thúc 3 môn thi sáng 21-4, thí sinh Trần Hoàng Tùng, trường THPT Việt Đức cho biết, đề thi khá khó, ít thí sinh có thể hoàn thành toàn bộ câu hỏi trong cả 3 môn thi. Với môn Văn, đề thi nghị luận được nhấn mạnh vào niềm tin bản thân với yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến: “Một người đã đánh mất vào niềm tin bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá nhất”. Theo đó, học sinh cần phải tổng hợp được kiến thức xã hội cũng như yêu cầu cách làm một bài nghị luận như giải thích ý kiến được nêu, phân tích, chứng minh, bàn luận, mở rộng vấn đề và cuối cùng bài học nhận thức và hành động. Câu trả lời chỉ được trình bày trong khoảng 600 chữ sẽ không dễ cho những thí sinh không lên được dàn ý, trình bày lan man nhưng lại không đủ ý.

Nói về đề khảo sát 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh lần này, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Cấu trúc đề được Sở GD-ĐT Hà Nội biên soạn dựa trên những quy định, hướng dẫn liên quan của Bộ GD-ĐT. Hình thức, thời gian làm bài kiểm tra các môn được tiến hành như quy định tại Quy chế thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT ban hành”.

Bên cạnh đó, việc in sao, bảo mật đề cũng được yêu cầu cao. Đặc biệt, công tác coi thi, chấm thi được diễn ra nghiêm ngặt như một kỳ thi THPT quốc gia. Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: “Mục đích của kỳ khảo sát này là để học sinh làm quen với kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào đầu tháng 7. Qua kết quả, nhà trường, cấp quản lý đánh giá tình hình học tập của học sinh để từ đó kịp thời điều chỉnh trong quản lý và dạy học”.

Mặc dù để tổ chức kỳ khảo sát này thì nhà trường và giáo viên vất vả hơn rất nhiều nhưng bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho rằng, các trường không bị động và hoàn toàn nằm trong khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên THPT khi tiến hành coi thi, chấm thi.

“Việc Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức khảo sát cho học sinh lớp 12 theo cụm thi như thi THPT quốc gia là mô hình với mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Các năm trước, chúng tôi cũng chủ động tổ chức cho học sinh thi thử nhiều vòng nhưng chỉ biết được chất lượng của học sinh mình mà không có thước đo chung với các trường trên toàn thành phố. Kết quả của kỳ khảo sát này giúp nhà trường đánh giá một cách khách quan năng lực của học sinh để giáo viên có hướng điều chỉnh trong giảng dạy và ôn tập, đồng thời thấy được trường mình đang đứng ở ngưỡng nào về chất lượng dạy và học” - bà Vũ Thị Phương Anh chia sẻ. 

Căng thẳng vì thi thử lấy điểm thật

Trước khi diễn ra đợt khảo sát này, ông Phạm Văn Đại đã khẳng định, để tránh áp lực cho học sinh, kết quả khảo sát không được sử dụng để đánh giá thi đua của nhà trường. Điểm thi thử cũng chỉ để biết được năng lực, trình độ học sinh đến đâu chứ không nhất thiết phải tính làm điểm kiểm tra, ghi vào học bạ.

Tuy nhiên, với một số trường, kết quả khảo sát lại là căn cứ khách quan để tính vào điểm kiểm tra hay thậm chí là điểm học kỳ II. Nguyễn Vân Anh, học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, việc nhà trường tính điểm khảo sát vào sổ điểm thực khiến em khá căng thẳng. “Đề khảo sát khó hơn nhiều so với bài kiểm tra trong trường. Đây là đề áp dụng cho một kỳ thi quốc gia để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa để phân loại xét tuyển đại học nên việc học sinh đạt điểm 9, 10 là rất khó. Em lo kết quả khảo sát thấp sẽ ảnh hưởng đến xếp loại học lực của cả năm học” - Vân Anh chia sẻ.

Theo bà Vũ Thị Phương Anh, để học sinh thực sự tập trung vào kỳ khảo sát này thì việc các trường lấy làm điểm kiểm tra một tiết hay thậm chí là điểm thi học kỳ cũng là hợp lý. “Năm nay, vì kế hoạch khảo sát công bố muộn nên nhà trường chưa tính đến việc lấy kết quả khảo sát làm điểm thi học kỳ II nhưng sang năm, nếu Sở vẫn tiến hành khảo sát thì trường hoàn toàn có thể lấy đây làm điểm thi. Như vậy giáo viên, học sinh cùng đỡ vất vả coi thi, chấm thi nhiều lần, điểm thi lại công bằng, nghiêm túc vì coi thi chéo, chấm chéo” - bà Vũ Thị Phương Anh phân tích.

Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2016, Hà Nội là địa phương có số cụm thi và lượng thí sinh dự thi lớn nhất cả nước với 1 cụm do Sở GD-ĐT chủ trì và 5 cụm do các trường đại học chủ trì, số lượng thí sinh dự thi lên đến khoảng 63.000 em. Chi tiết đề khảo sát và gợi ý giải đề 3 môn thi của Hà Nội mời bạn đọc tham khảo tại đây.