Hưởng lợi hay hưởng... hại?

ANTĐ - Là địa bàn được hưởng lợi từ dự án kè cứng hóa sông Hồng, người dân xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đều khấp khởi mừng khi con đường mòn dân sinh lầy lội ven đê được trải thảm bê tông sạch sẽ. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì tai nạn liên tiếp xảy ra…

Hưởng lợi hay hưởng... hại? ảnh 1
Những “lôcốt” cột điện án ngữ giữa đường như những chiếc bẫy

Có đường cũng như không

Kể từ khi con đường hoàn thành tính đến nay đã 2 năm, nhưng với người dân xã Đông Dư thì đây thực sự là con đường tai họa. Các vụ tai nạn xảy ra như cơm bữa, mặc dù chưa xảy ra chết người nhưng sứt đầu mẻ trán thì nhiều tới mức những hộ dân dọc con đường này không thể thống kê hết. Lý do của các vụ tai nạn này bắt nguồn từ 20 chiếc cột điện án ngữ lù lù giữa đường. Ông Phan Văn Vĩnh, trú tại xóm 1, thôn Thượng vừa chỉ vào những chiếc cột to như lô cốt vừa tố khổ: “Tôi chưa thấy ở đâu làm đường lại kỳ lạ như xã tôi.

Trước đây con đường này chỉ là đường mòn, tuy có bẩn thỉu bụi bặm đôi chút, nhưng dân chúng tôi vẫn cứ qua lại như thường, chẳng bị va quệt hay tai nạn bao giờ. Ấy thế mà từ khi họ làm đường mới, tuy có rộng rãi và trải bê tông hẳn hoi, nhưng cứ vài bữa tôi lại nghe thấy “rầm” một tiếng. Chạy ra xem là y như rằng đã có anh đâm xe vào cột điện ngã lăn quay ra đường. Ai đời đường rộng 3m thì cột điện đã chiếm đến 2m và nằm lù lù giữa đường. Hình như họ làm nhưng không muốn cho dân đi thì phải”.

Đúng như những gì người dân phản ánh, con đường này đã từ rất lâu không an toàn bởi hiện có khoảng 20 chiếc cột điện án ngữ ngay giữa tim đường. Ông Nguyễn Hữu Nhật, Phó chủ tịch UBND xã Đông Dư cũng kêu trời: “Về lý thuyết, con đường này đủ cho cả ô tô hạng nhẹ có thể lưu thông, nhưng chỉ vì những chiếc cột điện oái ăm kia mà nó giờ đây gần như bỏ hoang. Chỉ có người lạ từ nơi khác đến không biết mới đi vào và tai nạn ở đoạn đường này thì như cơm bữa. Đặc biệt vào lúc chiều tối bởi đoạn đường này chưa có điện, vì thế vô hình chung các cột điện nằm giữa đường biến thành những chiếc bẫy đối với người tham gia giao thông. Lần nào tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng “rát tai” vì bị chất vấn về đoạn đường kỳ cục này, công văn cũng gửi đi đề nghị giải quyết cũng nhiều, nhưng chưa thấy thay đổi gì cả”.

Tổng chiều dài mà con đường thuộc Dự án kè cứng hóa sông Hồng chạy qua xã Đông Dư khoảng 2km, nhưng có tới hơn 1km không thể sử dụng an toàn được vì vướng hơn 20 chiếc lô cốt. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?

Thi công bất chấp… cột điện

Theo ông Nguyễn Hữu Nhật thì những tồn tại nói trên đã được UBND xã Đông Dư góp ý ngay với đơn vị thi công là Ban quản lý kè cứng hóa sông Hồng (Sở NN&PTNT) tại thời điểm năm 2011 khi họ bắt đầu thi công dự án. “Vì xã là đơn vị được hưởng lợi nên ngay từ đầu chúng tôi đã thấy rõ những vô lý khi họ bắt đầu thi công. Do đó, chúng tôi đã đề nghị với BQL hoặc là có kế hoạch di dời các cột điện ra trước khi làm đường, hoặc là khi thi công thì lượn tránh hệ thống cột điện. Nhưng đáp lại, họ chỉ nói đây là phương án đã được phê duyệt nên không thể thay đổi. Chúng tôi không phải là cấp trên của họ nên cũng chỉ biết báo cáo lên huyện để huyện gửi công văn sang góp ý với Sở chứ cũng chẳng biết làm thế nào?” - ông Nhật thở dài.

Trao đổi với chúng tôi về lý do tồn tại các cột điện giữa tuyến đường trên, ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lâm cho biết: “Tháng 9-2011, chúng tôi bất ngờ nhận được công văn của BQL dự án kè cứng hóa sông Hồng gửi tới với nội dung yêu cầu Điện lực Gia Lâm di dời cột điện ra khỏi tuyến đường hành lang mà họ xây dựng. Việc yêu cầu này khiến tôi vô cùng ngạc nhiên bởi đây là hệ thống mà chúng tôi đã tiếp nhận năm 2006, hàng năm đều phải đầu tư kinh phí rất lớn. Hệ thống đang hoạt động ổn định và chúng tôi không hề có kế hoạch, kinh phí di chuyển hay cải tạo, sửa chữa. Do đó chúng tôi đã gửi công văn nói rõ với BQL dự án rằng, chúng tôi sẵn sàng phối hợp để lập phương án di chuyển, giám sát thi công và nghiệm thu đóng điện. Nhưng đề nghị BQL dự án bố trí nguồn vốn phục vụ việc này bởi chúng tôi không có và đây cũng là việc của họ, khi lập dự án họ phải tính đến việc giải phóng mặt bằng này rồi. Mặc dù vậy, sau đó chúng tôi không thấy họ hồi âm”. 

Điều bất ngờ nhất theo ông Sơn là sau đó phía BQL dự án vẫn thi công con đường bất chấp sự tồn tại của những chiếc cột điện. Thậm chí việc thi công con đường này còn gây ra những sự cố đổ gãy một số cột điện, gây mất điện cho người dân xã Đông Dư. Công ty Điện lực Gia Lâm đã gửi công văn lên cơ quan chủ quản là Sở Công Thương đề nghị cấp trên can thiệp sang Sở NN&PTNT về vấn đề di chuyển và đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, nhưng đáp lại vẫn là sự im lặng khó hiểu… Và cho đến tận bây giờ, sau 2 năm hoàn thành, con đường của Dự án kè cứng hóa sông Hồng vẫn tồn tại chỉ để cho có và người dân vẫn phải hứng chịu những tai họa mỗi khi đi qua đó.