Hướng dẫn cai thuốc lá hiệu quả bằng các biện pháp khoa học

ANTD.VN - Nhiều người gặp khó khăn khi cai thuốc lá, hoặc dễ bị tái nghiện lại sau một thời gian cố gắng ngưng sử dụng. Việc nắm được những nguyên lý khoa học về cách mà chúng gây nghiện tới cơ thể dưới đây sẽ giúp bạn cai thuốc một cách hiệu quả.

Khói thuốc gây nguy hiểm ra sao?

Trong khói thuốc lá chứa hơn 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe

Một bài viết trên Zing cho biết, Theo thống kê, ở Việt Nam có gần 40.000 người tử vong vì các bệnh do có liên quan tới thuốc lá mỗi năm, nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại.

TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội) cho hay, trong khói thuốc lá chứa hơn 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe, bao gồm chất gây nghiện và chất gây độc.

Thuốc điện tử cũng có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tương tự như thuốc lá

Hút thuốc nói chung (bao gồm thuốc lá, thuốc lào, thuốc điện tử) đều mang đến những hệ lụy nguy hiểm như nhau đối với sức khỏe. Đặc biệt, ngay cả khi dừng hút thuốc, tác hại của thuốc lá đối với cơ thể vẫn còn tồn tại tới 10-15 năm.

“Khi bỏ thuốc, trong vòng tuần đầu tiên hoặc tháng đầu tiên, các dấu hiệu về tim mạch sẽ giảm nhanh nhưng dấu hiệu về ung thư vẫn còn. Nguyên nhân là hắc ín không thể loại bỏ ra khỏi cơ thể", TS Chân cho hay.

Hắc ín chính là sự lắng lại của khói thuốc với hàng nghìn chất hóa học và phụ gia với đặc điểm dính và nhầy như nhựa. Khi khói thuốc được hít vào phổi, các chất nhựa lắng đọng và bám vào các khoang chứa khí của phổi, gây ra bệnh ung thư và các bệnh về phổi. Để đào thải các chất này ra khỏi cơ thể cần phải có thời gian. TS Chân đã gặp nhiều trường hợp mắc bệnh dù đã bỏ thuốc hơn chục năm.

Thuốc lá gây nghiện như thế nào?

3 giai đoạn nghiện thuốc gồm: nghiện tâm lý, nghiện hành vi và nghiện thực thể

Một bài viết trên báo Dân trí cho biết, thông thường người hút thuốc lá sẽ nghiện qua ba ba giai đoạn:

(1) Nghiện tâm lý: bắt đầu có những quan điểm lệch lạc về thuốc lá, như nhận định thuốc lá là một biểu tượng của sự “trưởng thành”, “nam tính”, “sành điệu”…

(2) Nghiện hành vi: hút thuốc lá trở nên một thói quen, một phản xạ có điều kiện được củng cố bằng hình thức lập đi lập lại qua nhiều năm tháng, ví dụ hút thuốc khi uống cà phê, sau bữa ăn, khi gặp gỡ bạn bè, khi viết lách, làm việc căng thẳng…lâu dần thành thói quen khó bỏ. 

(3) Nghiện thực thể khi chất nicotine đã có tác động lên quá trình hoạt động của hệ thống thần kinh khiến người hút thuốc lá có cảm giác hưng phấn, giảm lo lắng, tăng khả năng tập trung, và khi cai bỏ thuốc lá, người nghiện hút thuốc lá cảm thấy buồn bã, lo lắng, bứt rứt, mất ngủ, khó tập trung, vật vã vì hệ thần kinh của họ đã quen với sự hiện diện của nicotine trong máu. Đây là hội chứng cai thuốc lá, nguyên nhân hàng đầu khiến việc cai nghiện thất bại.

Cách cai thuốc lá theo khoa học

Cai thuốc lá theo phương pháp khoa học có thể giúp xử lý tận gốc vấn đề

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ba biện pháp cai nghiện thuốc lá hiệu quả là “đánh” vào ba quá trình nghiện thuốc lá:

Điều trị nhân thức, thay đổi hành vi: Là bước đầu tiên và rất quan trọng. Người tư vấn cần chỉ ra lý do, hoàn cảnh, môi trường thúc đẩy việc hút thuốc lá, và lý do cần ngừng bỏ hút. Cũng cần củng cố lý do và quyết tâm muốn cai thuốc lá.

Dùng chế phẩm nicotine thay thế: viên thuốc nhai, viên thuốc ngậm dưới lưỡi, nicotine hít (thuốc lá điện tử) và phổ biến nhất là miếng dán trên da. Biện pháp này được khuyên dùng cho những trường hợp bị lệ thuộc thực thể nặng.

Về nguyên lý, đây là một cách cung cấp trực tiếp nicotine cho cơ thể mà không từ điếu thuốc lá. Điểm khác biệt duy nhất là nicotine trong chế phẩm thay thế thấm vào máu ổn định, đồng đều hơn, khiến cơ thể không xuất hiện hội chứng cai thuốc do quá thiếu nicotine, nhưng cũng không tăng cao đạt đỉnh sảng khoái nên không gây nghiện.

Tùy theo cá nhân và mức độ nghiện thuốc, thời gian dùng nicotine thay thế thường kéo dài 1-2 tháng, cá biệt có thể kéo dài đến nửa năm.

Điều trị bằng buprobion và varenicline: Cũng được khuyên dùng cho trường hợp lệ thuộc thực thể nặng. Buprobion và varenicline tác động lên hệ thống thần kinh làm người nghiện hút thuốc lá giảm hẳn ham muốn hút thuốc lá.

Một số phương pháp giúp làm giảm cơn thèm thuốc

Quá trình cai thuốc lá cần qua những giai đoạn quan trọng. Giai đoạn đầu là 72 giờ để giảm lượng nicotine. Sau đó là 14 ngày để phục hồi cơ thể, 48 ngày để chấm dứt và cải thiện lại thói quen, ba tháng để có thể ngủ mà không còn nghĩ tới hút thuốc. Hiểu rõ quá trình này và đích đến của từng giai đoạn có thể giúp việc bỏ thuốc lá thành công, không bỏ cuộc và phá hỏng mọi nỗ lực của bạn.

Những việc dễ dàng mà bạn có thể thực hiện để hỗ trợ quá trình này bao gồm:

- Uống thật nhiều nước: Có thể uống nước trái cây hoặc nước khoáng trong ba ngày đầu cai thuốc. Nước sẽ giúp thải loại nicotine nhanh hơn. Trà xanh loại nhẹ cũng khá hữu ích. Nên tránh trà đen và cà phê trong những ngày này.

-  Ăn vặt: Nhiều người có thói quen phải hút ngay một điếu thuốc sau khi ăn xong. Để thay thế thói quen này, bạn nên chuẩn bị sẵn một món tráng miệng hoặc đơn giản chỉ là kẹo cao su để sau bữa ăn có thể... tạm quên đi điếu thuốc.

Làm việc nhà là một trong những cách hiệu quả để quên đi cơn thèm thuốc

- Tự gây xao lãng: Khi thèm thuốc, bạn có thể mở tivi, đi tắm, gọi điện thoại, làm việc nhà, đi chơi... Những việc này sẽ làm tâm trí bạn rời xa điếu thuốc.

- Đánh răng: Mỗi khi cơn thèm thuốc lá trở nên "cồn cào", giằng xé, bạn có thể đi đánh răng. Cảm giác sạch sẽ trong miệng sẽ làm mất đi cơn thèm thuốc. Luôn có thứ gì đó để ăn mỗi khi lên cơn thèm, ví dụ như bạc hà, kẹo cao su, thanh quế, hạt hướng dương...

- Thêm bột nhân sâm vào bữa sáng: Nhân sâm có hiệu quả rất cao để làm giảm tiết dopamine - một trong những thành tố chính trong nicotine.

- Tự nhắc: Đeo một chiếc vòng cao su quanh cổ tay, giật mạnh nó mỗi khi nảy lên ý định hút một điếu thuốc. Cảm giác nhoi nhói sẽ làm bạn xao lãng cơn thèm, cho bạn một giây nhớ lại lý do tại sao bạn bỏ thuốc.

Khi thấy thèm thuốc, hãy thực hiện chừng 5-10 lần hít đất

- Tập thể dục ngắn: Bất cứ khi nào cảm thấy thèm thuốc, bạn cũng có thể thực hiện chừng 5-10 lần hít đất. Tâm trí và cơ thể bạn sẽ nhanh chóng bị hướng vào hoạt động mới. Bạn cũng có thể chơi game thời gian ngắn để không còn nghĩ về thuốc lá.