Hợp tác chống phân bón giả

(ANTĐ) - Sáng qua 1-12, đại diện 5 cơ quan chức năng gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an), Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã ký kết cùng phối hợp trong cuộc chiến chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Hợp tác chống phân bón giả

(ANTĐ) - Sáng qua 1-12, đại diện 5 cơ quan chức năng gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an), Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã ký kết cùng phối hợp trong cuộc chiến chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Hợp tác chống phân bón giả giúp doanh nghiệp tạo niềm tin với nông dân
Hợp tác chống phân bón giả giúp doanh nghiệp tạo niềm tin với nông dân

Ông Nguyễn Tiến Toát - Phó Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Việt - Nhật cho rằng, phân bón giả đã phát sinh và gây nên những bức xúc nhiều năm qua, từ giữa 2007 đến nay càng trở nên nhức nhối hơn. Những gian lận, gian dối trong sản xuất, kinh doanh phân bón nên đánh giá gần như buôn bán ma túy bởi nó cũng tạo ra siêu lợi nhuận.

Theo tính toán, trung bình mỗi năm, cả nước phải sử dụng khoảng 8 triệu tấn phân bón các loại, nhưng chỉ 2 triệu tấn phân urê là ít có khả năng làm giả, còn lại 6 triệu tấn phân bón khác, khả năng làm giả rất cao. Trung bình, giá mỗi tấn phân bón từ 2 đến 10 triệu đồng, sản xuất chỉ giảm 10% chất lượng thì những đối tượng làm phân bón giả đã “ăn không” của nông dân tới 2.400 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra chất lượng phân bón của Cục Trồng trọt từ đầu năm 2009 đến nay cho thấy, chiếm đến trên 40% số mẫu kiểm tra không đạt chất lượng.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Linh - Giám đốc Công ty TNHH Phân hữu cơ nêu nhận định: “Năm 2009, nông dân mua phải quá nhiều phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã chuyển sang tự chế biến, hạn chế mua phân từ nhà máy sản xuất. Để tạo được niềm tin trở lại cho nông dân, chúng ta cần làm công khai hơn, minh bạch hơn”.

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, chúng ta đã phát hiện hàng trăm vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả một cách có hệ thống, có tổ chức. Điển hình như vụ việc của Công ty Tân Trường Sinh (Hải Dương), Công ty CP Quốc tế Đông Trung đa yếu tố, Công ty Bắc Bình Vương Phả Lại... Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có vụ việc của Công ty CP Quốc tế Đông Trung đa yếu tố được đưa ra xét xử, 2 vụ việc còn lại vẫn chưa có động thái gì tiếp theo”.

Trước thực trạng này, ông Toát kiến nghị: “Khi đã có sự ký kết hợp tác, tất cả các ngành cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng vi phạm. Đã có hiện tượng, một số Sở KH-ĐT các tỉnh, khi cấp phép cho  doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chỉ yêu cầu sản xuất phân bón tổng hợp NPK với hàm lượng 5%, trong khi theo quy định phải là 18%. Bên cạnh đó, cũng cần phải có điều kiện quy định sản xuất, kinh doanh phân bón, trị giá trang thiết bị sản xuất phải tối thiểu là 20 tỷ đồng, chưa kể nhà xưởng, đất đai mới được cấp phép”.

Ông Thúy cho rằng, thời gian qua, hiệu quả chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả vẫn chưa cao, vì chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành chức năng. “Bởi vậy, 5 cơ quan ký kết thỏa thuận hợp tác chặt chẽ lần này nhằm phối hợp công khai trong việc phòng, chống và đấu tranh ngăn chặn nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm như trước đây” - ông Thúy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thúy cũng kiến nghị cần tăng mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả cao hơn so với hiện nay. Thậm chí, có thể khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật. “Bên cạnh đó, NĐ 131 và NĐ 191 của Chính phủ cũng nên khẩn trương bổ sung, sửa đổi với chế tài đủ sức răn đe. Đồng thời, sớm đưa 2 vụ sản xuất phân bón giả ở Công ty Tân Trường Sinh và Bắc Bình Vương ra xét xử, trả lại sự lành mạnh cho thị trường phân bón trong nước” - ông Thúy nói.

Hạ Quỳnh