Hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần: Không để xảy ra đổ vỡ

ANTĐ - Sáng nay (6-12), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã chính thức cho phép về chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng TMCP có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh là Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Sài Gòn. Đây là bước đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Tiền gửi của khách hàng vẫn được đảm bảo an toàn (Ảnh minh họa)


Hợp nhất là bình thường

Thống đốc cho biết, 3 ngân hàng này thời gian qua gặp khó khăn về thanh khoản chủ yếu do dùng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Khi nguồn vốn ngắn hạn không còn dồi dào, 3 ngân hàng này đã mất khả năng thanh toán tạm thời. Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho cả 3 ngân hàng này, nên tình hình ổn hơn. Vì vậy, để khắc phục tình trạng khó khăn về thanh khoản hiện nay, để xây dựng chiến lược phát triển mới, 3 Ngân hàng đã tự nguyện hợp nhất với nhau để trở thành một ngân hàng có quy mô lớn hơn cả về năng lực tài chính và quản trị kinh doanh, phát huy thế mạnh của ba ngân hàng trong một ngân hàng  hợp nhất.

Trước những lo ngại về khả năng thanh toán của 3 ngân hàng trên sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng, ông Thống đốc khẳng định: “Quyền lợi của người gửi tiền hợp pháp được đảm bảo, bởi thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho 3 ngân hàng này và sắp tới ngân hàng sau hợp nhất lại có sự tham gia của Nhà nước”.

Nhằm hỗ trợ toàn diện các vấn đề của 3 NHTM cổ phần trong quá trình hợp nhất và góp phần nâng cao khả năng tài chính, quản trị kinh doanh của ngân hàng sau hợp nhất, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV) đã được NHNN giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia tích cực cả về nguồn vốn, lực lượng cán bộ và tham gia hoạt động quản trị, kinh doanh của ngân hàng sau hợp nhất. NHNN cũng sẽ có những cơ chế hỗ trợ thích hợp, kịp thời nhằm đảm bảo việc hợp nhất 3 ngân hàng được triển khai theo các bước một cách thuận lợi và ổn định.

Theo NHNN, trên thế giới, việc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại vẫn thường diễn ra không chỉ phạm vi trong một quốc gia mà  ở  nhiều nước. Ở Việt Nam, 3 ngân hàng trên hợp nhất cũng là việc làm bình thường, thể hiện một chiến lược phát triển mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và bền vững, nhất là trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh gay gắt trong nước cũng như khu vực và quốc tế hiện nay.


Lành mạnh tài chính hệ thống

Bàn về việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, trong 5 năm tới, NHNN sẽ thực hiện phân nhóm các tổ chức tín dụng, hỗ trợ thanh khoản với những tổ chức gặp khó khăn, xây dựng phương án tái cấu trúc và thực hiện tái cấu trúc toàn diện các ngân hàng hoạt động chưa tốt để sau đó tiến hành hoàn thiện tái cấu trúc toàn hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng vào năm 2015.

Mục tiêu mà hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng đến là trong vòng 5 năm tới sẽ phấn đấu có hai ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và từ 10-15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam. Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng sẽ có những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định.

Ông Nguyễn Văn Bình nhận định, việc tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng là một nội dung lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trong nhiều năm. “Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực hết mình, đảm bảo trong quá trình tái cơ cấu không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, rối loạn tài chính và mất an toàn hoạt động. Việc tái cơ cấu cũng sẽ không nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN” - Thống đốc  khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN sẽ triển khai 7 biện pháp cụ thể để thực hiện tái cơ cấu. Đó là hoàn thiện đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, các quy định về an toàn và phòng tránh rủi ro theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế, tăng cường vai trò giám sát của NHNN. Hai là, NHNN cũng xây dựng cơ chế, chính sách để những ngân hàng thương mại có đủ điều kiện phát triển nhanh và cạnh tranh có hiệu quả trong nước và quốc tế, đồng thời khuyến khích các ngân hàng mở rộng địa bàn hoạt động phục vụ nông nghiệp và nông thôn. Ba là tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các ngân hàng thương mại Nhà nước. Bốn là, bổ sung hoàn thiện thể chế các ngân hàng thương mại cổ phần nâng cao chất lượng quản trị, hoạt động minh bạch… Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí thấp nhất.

Tín hiệu tốt của thị trường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được xác định và bây giờ chúng ta đang làm. Trong 5 nguyên tắc đầu tiên của vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, nguyên tắc đầu tiên là các ngân hàng tự nguyện. Như vậy khi 3 ngân hàng này tự nguyện hợp nhất thì NHNN đồng ý. Chúng ta vẫn hay nói các ngân hàng của Việt Nam nhỏ mà bắt đi làm việc lớn nên mới đẩy tới tình trạng vốn huy động thì ít mà vốn cho vay lại lớn nên tính thanh khoản bị yếu. Như vậy, tái cơ cấu trên cơ sở tự nguyện như vậy là tín hiệu rất tốt của thị trường. Hợp nhất 3 ngân hàng này là hoạt động hết sức bình thường trong thị trường tiền tệ, không phải là trạng thái một ngân hàng bị tuyên bố phá sản. Người gửi tiền có bao nhiêu tiền gửi vào ngân hàng sẽ nhận được đúng số tiền đó cộng với khoản lãi theo quy định.

Thời cơ đã chín muồi

Đánh giá về việc hợp nhất 3 ngân hàng TS. Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh khẳng định: có 3 thành công mà NHNN đã đạt được đó là thời điểm hợp nhất hoàn toàn hợp lý, cách làm hoàn toàn tốt và cuối cùng là khiến cho chỉ số tác động niềm tin của khách hàng vào hệ thống NHTM ngày càng cao. Việc hợp nhất này không hề vội vã, thời cơ và thời điểm đã chín muồi. Thông điệp tái cấu trúc hệ thống NH đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh từ trước. Do vậy, trong 3 nhóm ngân hàng buộc phải tái cấu trúc bao gồm ngân hàng nhỏ, nhóm trung bình và nhóm lớn thì động thái xác định cần thay đổi đầu tiên là nhóm NHTM nhỏ và yếu. Việc tiến hành hợp nhất của NHNN cần được ủng hộ.

Có nhiều cách để thực hiện tái cơ cấu và hợp nhất. Nhưng thành công của NHNN là đã đưa ra được một mô hình tái cấu trúc hợp lý. NHNN sẽ hỗ trợ cho vay để đảm bảo tính thanh khoản. Việc khẳng định “đảm bảo tiền gửi cho khách hàng” càng tạo cú hích tốt vào niềm tin của người dân.

Tôi không vội rút tiền

Ông Nguyễn Xuân Cảnh - một cán bộ nghỉ hưu cho biết: Mặc dù có một khoản tiết kiệm đang được gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng khi nghe thông tin về việc hợp nhất 3 ngân hàng tôi thấy cũng không phải quá lo lắng. Thống đốc NHNN đã khẳng định trước Quốc hội quá trình tái cơ cấu các ngân hàng sẽ được đảm bảo là không gây ra đổ vỡ và làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền. Như vậy, chắc chắn NHNN sẽ có những hỗ trợ nhất định để giữ vững hoạt động của các ngân hàng này. Nếu chỉ vì thông tin hợp nhất mà đi rút tiền thì người gửi như tôi sẽ mất một khoản nhất định, vì hiện tôi đang gửi với kỳ hạn 6 tháng, nếu rút luôn sẽ chỉ được nhận lãi suất không kỳ hạn.