Hôn nhân khác giới của những người đồng tính: Khó tìm lối thoát

ANTĐ - Những cuộc hôn nhân khác giới của người đồng tính luôn dẫn đến hậu quả nặng nề: sự thiệt thòi, bất hạnh của những đứa trẻ được sinh ra. Trong khi chờ đợi xã hội cởi mở hơn, thế hệ đồng tính 8X, 9X ở Trung Quốc đã tự tìm giải pháp cho mình. 

“Hôn nhân tương trợ” không phải lối thoát cho người đồng tính

Đôi bên cùng có “lợi”

Hạ Tuyết Mai và Tưởng Quốc Cường ở Thâm Quyến là một cặp đôi bất thường - một người đồng tính nam và một người đồng tính nữ. Kết hôn chính thức, nhưng mỗi người có một “bạn đời” riêng và sống tách biệt. Khi Tuyết Mai sinh con với Quốc Cường, một gia đình nhỏ rất đặc biệt hình thành.

Tuyết Mai phát hiện ra mình thích một bạn nữ xinh xắn, học giỏi cùng lớp từ khi 14 tuổi và kết thân, chơi với với nhau suốt 4 năm.

Khi người bạn đó đi du học, Tuyết Mai mới biết mình thực sự có vấn đề về giới tính. “Anh” kể lại, vì sự thúc giục, ép buộc và cả nỗi đau khổ của bố mẹ, “anh” buộc phải đăng thông báo tìm bạn đời trên một diễn đàn trực tuyến đặc biệt. Khi “chắp mối” được với Quốc Cường, “anh” nhận ra ngay “đối tác” cũng giống mình - một người đồng tính đang muốn tìm vỏ bọc để tránh đi mọi điều thị phi cho gia đình, họ tộc. Hai bên nhanh chóng đi đến hôn nhân. Ngày nhận giấy đăng ký kết hôn từ chính quyền địa phương, cả hai cùng bật khóc. “Trong đêm tân hôn, tôi đã phải uống rượu đến say mèm để tránh đi những ngại ngùng và vượt qua sự lúng túng lúc “động phòng”, Tuyết Mai tâm sự. Hơn 1 tháng sau, Tuyết Mai biết mình có thai.

Cuộc hôn nhân của họ nếu nhìn từ bên ngoài thì được nhiều người ngưỡng mộ: cả 2 đều trình độ thạc sỹ, có việc làm ổn định, thu nhập cao, mới 30 tuổi đã có nhà, xe riêng. Tính tình cả 2 “vợ chồng” đều nhã nhặn, tử tế, thêm vào đó là một đứa con xinh xắn, khỏe mạnh. Song chẳng ai biết, từ lâu họ đã sống riêng. Quốc Cường ở cùng bạn trai là Tuấn Hùng, một đầu bếp ở trong thành phố. Tuyết Mai cũng có một người phụ nữ đang theo đuổi và thường xuyên sống trong ngôi nhà ở ngoại ô. Những lúc bạn bè, người thân hẹn đến chơi, họ lại về chung một nhà, diễn kịch “gia đình hạnh phúc”.  

Những gia đình như vậy là kết quả những cuộc “hôn nhân tương trợ”, thống kê một cách không đầy đủ ở Trung Quốc có khoảng trên 1.000 trường hợp. Khi những cuộc hôn nhân đồng tính còn chưa được coi là hợp pháp, “hôn nhân tương trợ” trở thành tấm vỏ bọc an toàn, giúp những người khiếm khuyết về giới tính có được “tình yêu tự do”. Không chỉ thế, việc hình thành từng đôi một như vậy còn giảm được nguy cơ lây lan căn bệnh thế kỷ AIDS từ việc quan hệ “quần hôn” gây ra. “Dù sao, đây cũng chỉ là bất đắc dĩ”, Tuyết Mai nói.

Được sự định hướng của những “người trong cuộc”, một trang web “hôn nhân hình thức” đã hình thành, mở rộng ở nhiều tỉnh thành và ngày càng thu hút đông đảo thành viên. Các cặp đôi gắn kết với nhau theo 3 hình thức: dạng chặt chẽ, dạng lỏng lẻo và dạng nửa lỏng nửa chặt. Đối với dạng chặt chẽ, cả hai vẫn sống chung nhà nhưng mỗi bên tự đưa tình nhân về. Dạng lỏng lẻo thì sống riêng, định kỳ về ở chung vào một số ngày nhất định như lễ tết giống kiểu “vợ chồng” Tuyết Mai. Hình thức này được lựa chọn nhiều hơn vì cả hai đều được tự do, thoải mái. Điều họ lo ngại nhất vẫn là những đứa trẻ, vô hình trung cũng đã trở thành những tấm bình phong. Dù ít dù nhiều, chắc chắn chúng cũng bị ảnh hưởng và khó lòng có được một niềm hạnh phúc vẹn toàn.

Giới trẻ đồng tính ở Trung Quốc hy vọng xã hội sẽ bớt kỳ thị hơn

Đợi chờ những đổi thay

Từ những năm 1980, bà Lý Ngân Hà, một chuyên gia xã hội học đã cùng chồng đi sâu nghiên cứu về giới đồng tính. Khi đó, những tình yêu đồng tính vẫn còn khuất lấp dưới những tảng băng lớn trong xã hội Trung Quốc, những người thuộc “giới tính thứ 3” vẫn phải lén lút gặp nhau trong nhà vệ sinh công cộng hay nơi khuất nẻo ở công viên, mà nổi tiếng nhất là nhà vệ sinh công cộng hai bên phía đông và tây quảng trường Thiên An Môn.

Việc theo dõi nhiều năm về vấn đề này đã giúp Lý Ngân Hà có được sự hiểu biết cũng như cái nhìn đồng cảm sâu sắc với những người đồng tính. Con số thống kê cho thấy, hiện có khoảng 3% trẻ sơ sinh ở Trung Quốc không rõ hoặc “nhầm” giới tính, và hiện nước này vẫn đứng đầu thế giới với gần 40 triệu người đồng tính, trong đó 2/3 là đồng tính nam. Nhưng dù quan niệm trên thế giới có thay đổi thế nào, những người đồng tính ở nước này vẫn bị kỳ thị, coi như một dạng “biến thái”, “cuồng dâm”. Thêm vào đó, nguy cơ truyền nhiễm căn bệnh thế kỷ từ việc quan hệ giới tính không lành mạnh đã khiến nhóm người này bị khinh miệt, lánh xa.

“Hôn nhân tương trợ cũng chỉ thích ứng với một số ít người đồng tính, nhất là nhóm 7X”, bà Lý Ngân Hà nhận xét, “còn độ tuổi 8X, 9X lại có những lựa chọn khác”. Viên Đằng, 20 tuổi, một sinh viên năm thứ 2 ở Quảng Châu cho biết, anh cũng có một “thời kỳ đen tối” khi phát hiện mình bị đồng tính, song thông qua internet, biết đó không phải là một dạng bệnh, nên dần dần bình tĩnh tiếp nhận nó. Hiện giờ người thân và bạn bè đều biết nên Viên Đằng không cần che giấu sự thật. “Có lẽ chúng tôi không đợi được đến ngày hôn nhân đồng tính trở thành hợp pháp, nhưng cũng không nhất thiết phải chọn con đường “hôn nhân tương trợ”, như vậy vô cùng mệt mỏi”, Viên Đằng tâm sự. Anh cho rằng, cùng với sự thay đổi của xã hội, cách nhìn của giới trẻ về đồng tính cũng thoáng hơn, và những người như mình sẽ có chỗ đứng “đàng hoàng” hơn. Còn hiện giờ, Viên Đằng luôn mang theo bao cao su mỗi khi đi “tìm bạn”.