Hơn 39.000 công chức, viên chức nhà nước xin nghỉ việc, Bộ Nội vụ nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ đầu năm 2020 đến giữa năm nay, cả nước có 39.552 người là cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển từ công sang tư, riêng ngành y tế có gần 12.200 người xin nghỉ việc…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời báo chí chiều 1-10

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời báo chí chiều 1-10

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều nay, 1-10, báo chí phản ánh tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc ở nhiều bộ ngành, địa phương trong khoảng 2,5 năm nay là rất đáng báo động, đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ thông tin cụ thể về việc này.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đây là vấn đề dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là sau khi Bộ Y tế báo cáo với Tổng Liên đoàn Lao động về số lượng 9.397 nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc, chuyển từ khu vực công ra khu vực tư trong 1 năm rưỡi qua (tính trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022).

Theo ông Thăng, trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2020-2021 bùng phát, đã phát sinh nhiều khó khăn. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, liên quan đến việc làm, đời sống.

Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ có báo cáo Thủ tướng có văn bản gửi các bộ, ngành địa phương đề nghị các đơn vị báo cáo lại số liệu trong 2,5 năm từ năm 2020 đến 6 tháng đầu 2022. Thời điểm này, Bộ Nội vụ nhận được được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương, 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.

Kết quả là trong 2,5 năm qua, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao.

Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người/năm. Tỷ lệ nghỉ việc so với tổng biên chế được giao là 0,8%, trong đó ở Trung ương chiếm 18%, địa phương là 82%.

Trong 39.552 nghỉ việc có hơn 4.000 công chức, hơn 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, ngành y tế là 12.198 người. Ngoài ngành y tế còn có ngành giáo dục cũng có tỷ lệ nghỉ việc nhiều…

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, có 7 nguyên nhân chính, cả khách quan lẫn chủ quan.

Về mặt khách quan, hiện có sự tương tác cạnh tranh trong thị trường lao động vì nước ta có nền kinh tế nhiều thành phần. Việc xã hội hóa tự chủ đơn vị sự nghiệp cũng tạo môi trường thay đổi nhân sự giữa công và tư rõ rệt hơn. Rồi công tác quy hoạch đội ngũ chuyên gia làm chưa tốt, nhiều nhân sự có kiến thức chuyên môn giỏi chuyển sang khu vực tư để làm việc vì có nhiều chính sách thu hút, hấp dẫn hơn.

Cùng đó, chủ trương tinh gọn, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy cũng tác động không nhỏ. Đặc biệt là chế độ chính sách tiền lương. Thực tế là trong khu vực công, tiền lương cho cán bộ, công viên chức còn "khó khăn" so với nhu cầu thực tế cuộc sống.

"Bộ Nội vụ sẽ cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các Bộ liên quan báo cáo Chính phủ, Trung ương, Quốc hội, Bộ Chính trị để xem xét tăng lương" - ông Thăng thông tin thêm.

Về nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, môi trường làm việc trong khu vực công chưa thực sự hấp dẫn. Ngoài ra còn lý do cá nhân như công viên chức muốn thử sức ở môi trường mới, thay đổi công việc giữa công và tư, thay đổi định hướng nghề nghiệp…