Sạt lở hồ đập ở Đắk Lắk năm 2013 đã khiến huyện Ea H’leo ngập trong nước lũ
Theo Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ m3. Trong đó 560 hồ chứa lớn dung tích hơn 3 triệu m3 hoặc đập cao trên 15m; hơn 1.700 hồ có dung tích trữ từ 0,2 đến 3 triệu m3, còn lại hơn 4.300 hồ có dung tích nhỏ dưới 0,2 triệu m3. Bộ NN&PTNT cho biết, chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa được thực hiện từ năm 2003, với mục tiêu nâng cấp 1.800 hồ nhưng đến nay mới sửa chữa trên 500 hồ, đạt 23% kế hoạch của 10 năm trước. Ước tính hiện tại, khoảng 1.150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa. Trong đó 334 hồ chứa bị hư hỏng nặng cần đặc biệt quan tâm bảo đảm an toàn trong mua mưa lũ năm 2014.
Theo nhận định từ Cục Thủy lợi, phần lớn các hồ đập đều được xây dựng từ lâu, thời gian sử dụng 30-40 năm chưa được sửa chữa. Trong khi đó, những hồ dung tích nhỏ phần lớn được xây dựng từ nguồn lực huy động trong nhân dân và địa phương nên việc khảo sát, thiết kế còn hạn chế, thi công chủ yếu bằng vật liệu tại địa phương và đào đắp thủ công…
Vấn đề an toàn hồ đập hiện rất bất cập. Số lượng hồ đập trên cả nước rất lớn, nhưng nhiều hồ không được xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng cao; việc nâng cấp, duy trì bảo dưỡng chưa được thực hiện hợp lý. Thực tế, cùng với tác động của thiên tai, đã có những ảnh hưởng từ mất an toàn hồ đập đến đời sống người dân như năm 2013 tại Đắk Lắk.
Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đều cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa. Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho hay, Nghệ An có số lượng hồ chứa lớn nhất cả nước, với 625 hồ nhưng phần lớn đã qua sử dụng 30-40 năm, cá biệt có hồ đã được xây dựng cách đây trên 50 năm. “Những nguy cơ mất an toàn hồ đập là hiện hữu, trong khi đó vốn đầu tư sửa chữa ít. Bên cạnh đó, việc vận hành, quản lý hồ cũng còn nhiều bất cập”. Theo ông Nguyễn Văn Đệ, để giải quyết vấn đề mất an toàn hồ đập cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Riêng giai đoạn 2014-2016, tỉnh này cần tới 487 tỷ đồng phục vụ cho 420 hồ yếu, còn nếu tu sửa tất cả các hồ trên địa bàn thì kinh phí lên tới khoảng 1.100 tỷ đồng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ, đập, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương trong việc quản lý, điều hành nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các công trình. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phải nghiêm khắc xử lý các địa phương để xảy ra sai sót trong quản lý và sử dụng không đúng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa nước thủy lợi năm 2013; phối hợp với Bộ Tài chính thu hồi toàn bộ về ngân sách Trung ương số vốn các địa phương đã bố trí sai quy định.