Trẻ em được chăm sóc tại chùa Bồ Đề sáng 12-8. Ảnh: Phú Khánh
-PV: Ngoài chùa Bồ Đề, có thêm cơ sở nào khác trên địa bàn thành phố không phải là trung tâm bảo trợ xã hội đang nhận nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật hay không?
- Ông Đặng Văn Bất: Trong thời gian gần đây, khi kiểm tra, rà soát trên toàn thành phố, chúng tôi phát hiện thêm một số cơ sở khác, nhất là các cơ sở tôn giáo, cũng đang nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi như tại chùa Bồ Đề.
Có thể bản chất việc các cơ sở nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, lang thang như vậy là tốt, là làm việc thiện, tuy nhiên theo quy định thì chỉ những cơ sở bảo trợ xã hội (cả công lập lẫn ngoài công lập) được cơ quan chức năng cấp phép mới được nhận nuôi dưỡng trẻ em. Hiện chùa Bồ Đề hay các cơ sở tương tự đều chưa phải là Trung tâm bảo trợ xã hội, không được cấp phép nên việc nhận nuôi dưỡng trẻ là trái quy định pháp luật.
-Vậy tại sao chùa Bồ Đề trở thành nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi từ nhiều năm nay, số lượng trẻ hiện lên đến hơn 100 cháu mà không bị yêu cầu ngừng hoạt động?
- Phải thừa nhận rằng để tình trạng này tồn tại có trách nhiệm do sự thiếu chặt chẽ trong quản lý, giám sát của cơ quan chức năng. Sở LĐ-TB&XH chỉ quản lý, kiểm tra các cơ sở bảo trợ xã hội, còn các cơ sở nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tự phát thì chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm giám sát, phát hiện và có hướng giải quyết. Sở LĐ-TB&XH Hà Nội khi giám sát, phát hiện các vi phạm như vậy đều đã có kiến nghị với chính quyền địa phương để hướng dẫn các cơ sở làm đúng quy định pháp luật. Cụ thể, nếu phát hiện đối tượng bị bỏ rơi tại chùa, nhà thờ hoặc cơ sở khác thì các cơ sở này có trách nhiệm báo cáo chính quyền địa phương để làm thủ tục đưa trẻ vào Trung tâm bảo trợ xã hội theo quy định.
Với trường hợp chùa Bồ Đề, năm 2013, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có công văn đề nghị quận Long Biên kiểm tra, hướng dẫn chùa Bồ Đề phân loại đối tượng trẻ, đề nghị thành phố tiếp nhận các em vào Trung tâm bảo trợ xã hội hoặc xem xét hướng dẫn nhà chùa làm thủ tục để đăng ký thành lập cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, nhưng đến nay nhà chùa vẫn chưa thực hiện theo đúng quy định. Tháng 6 vừa qua, Sở tiếp tục có công văn tương tự, trong đó có đề nghị quận Long Biên yêu cầu chùa Bồ Đề ngừng ngay việc tiếp tục tiếp nhận những trẻ em mới để nuôi dưỡng… Tuy nhiên, cũng phải nói rằng đây là việc không dễ giải quyết.
- Sau khi vụ việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề bị khởi tố, hiện thành phố có hướng giải quyết như thế nào để đảm bảo chăm sóc cho hơn 100 trẻ đang được nuôi dưỡng ở đây?
- Nghị định 68 của Chính phủ năm 2008 khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức trong nước, nước ngoài, cơ sở tôn giáo thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Các cá nhân, tổ chức muốn nhận nuôi trẻ phải đăng ký thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Để được phép thành lập phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như cơ sở vật chất, diện tích mặt bằng, điều kiện vệ sinh môi trường, người nuôi dưỡng… Hiện nay, hầu như chưa có cơ sở tôn giáo nào đang nhận nuôi dưỡng trẻ đáp ứng được yêu cầu này.
Tôi xin khẳng định, chùa Bồ Đề hiện chưa phải là cơ sở bảo trợ xã hội. Do đó, theo đúng quy định sẽ phải chuyển toàn bộ những người đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại chùa vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Hiện 11 Trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố có thể tiếp nhận thêm 180 người, nghĩa là đủ khả năng tiếp nhận toàn bộ hơn 100 người đang được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề. Sở LĐ-TB&XH đang đề nghị Phòng LĐ-TB&XH quận Long Biên sớm hoàn tất việc tổng kiểm tra, rà soát, phân loại các trẻ ở chùa Bồ Đề để báo cáo UBND TP. Ngay khi có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH sẽ đưa các trẻ đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề về các cơ sở bảo trợ xã hội. Dự kiến trước mắt sẽ tổ chức thành nhiều đợt, mỗi đợt đưa khoảng vài chục trẻ và người khuyết tật, người già về các trung tâm bảo trợ xã hội.
- Cảm ơn ông!