Hồi sinh trên "cánh đồng chết" ở An Giang

ANTĐ - Ba mươi ba năm sau thảm họa Pôn Pốt, “cánh đồng chết” trên đất Việt đã trở thành thị tứ nhộn nhịp, thanh bình.
Hồi sinh trên "cánh đồng chết" ở An Giang ảnh 1

Nhà trưng bày tội ác diệt chủng trên “cánh đồng chết” Ba Chúc

Đến tham quan thủ đô Phnôm Pênh ở Vương quốc Campuchia, du khách quốc tế thường không quên dừng chân trên “Cánh đồng chết” (Killing Field), nơi từng là trại hành quyết hàng chục ngàn thường dân vô tội của quân diệt chủng Pôn Pốt. Tại Việt Nam cũng có một “cánh đồng chết” như thế với hàng ngàn người bị đội quân đồ tể sát hại. Ba mươi ba năm sau thảm họa, “cánh đồng chết” trên đất Việt đã trở thành thị tứ nhộn nhịp, thanh bình.

“Cánh đồng chết” trên đất Việt Nam ấy là thị trấn Ba Chúc, thuộc địa phận huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Biết chúng tôi lần đầu đến địa phương, ông Phan Văn Giới, Phó chủ tịch UBMTTQ thị trấn Ba Chúc, nhiệt tình đưa đến Cụm nhà mồ Ba Chúc để thắp nhang cho 1.159 đồng bào xấu số được an táng tại nơi này. Trên đường đi, ông Giới đưa chúng tôi trở lại quá khứ kinh hoàng: “Từ ngày 18 đến 30-4-1978, quân Pôn Pốt chiếm đóng và giết hại 3.157 thường dân. Chúng giết bà con bằng dao, gậy, cuốc... với các hình thức chặt đầu, mổ bụng, bổ cuốc vào đầu, chẳng khác gì thời trung cổ”.

Cụm di tích nhà mồ Ba Chúc nằm cách trụ sở ủy ban thị trấn chỉ vài trăm bước chân, được bao quanh bởi núi non trùng điệp. Gọi là “cụm nhà mồ” bởi bên cạnh nấm mồ tập thể của 1.159 thường dân bạc mệnh, khu vực này còn có những di tích nhuốm máu người dân vô tội cũng như gắn liền tội ác của đội quân diệt chủng như chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu, Nhà trưng bày tội ác...

Tại mộ tập thể, chúng tôi gặp bà Hà Thị Nga, 72 tuổi, ngụ ấp An Định A, khi bà đang kể lại tội ác ngày nào của quân diệt chủng với một đài truyền hình nước ngoài. Bà Nga là nhân vật khá nổi tiếng ở Ba Chúc. Bà là người may mắn sống sót khi bị quân Pôn Pốt xả súng tàn sát. Nhưng hơn 100 người trong đó có chồng, sáu người con, cha mẹ, anh chị em... của bà thì không được may mắn như vậy.

Khách tham quan xem lại những hình ảnh đau lòng của tội ác năm nào

Ông Lê Văn Đức, nguyên trưởng ban tổ chức chùa Tam Bửu - Phi Lai, trĩu giọng cho biết: “Sau khi đẩy lùi quân diệt chủng, qua các cuộc điều tra, tọa đàm, xác minh tư liệu..., Ủy ban Trung ương điều tra tội ác chiến tranh xác định Ba Chúc có trên 100 hộ dân bị giết sạch, hơn 200 người chết và cụt chân tay do đạp phải mìn và lựu đạn của quân Pôn Pốt. Họ Hà trước là dòng tộc lớn, bị tiêu diệt hoàn toàn”. Trở lại chuyện đau lòng của bà Hà Thị Nga, ông Đức rơm rớm nước mắt: “Dân Ba Chúc ai cũng xót xa, sầu cảm cho chuyện đời của cô Tư Nga, của ông Phạm Văn Cửu (84 tuổi, cùng ngụ khóm An Định A) có vợ và năm con bị sát hại, ông Bùi Văn Lê (69 tuổi, ngụ ấp Thanh Lương) cũng có vợ, năm con cùng hàng chục người thân bị sát hại... Những cảnh đời, nỗi đau như thế ở Ba Chúc nhiều lắm, kể không xuể”.

Trước khi đến Ba Chúc, chúng tôi đã từng đến “Cánh đồng chết” ở Vương quốc Campuchia. “Cánh đồng chết” ở nước bạn chất đầy xương người, còn đó vô số “hiện thân” của tội ác diệt chủng, nhà mồ tập thể chứa đựng hơn 8.000 bộ xương người. Lúc bấy giờ, biết chuyện đội quân đồ tể sát hại chính đồng bào của chúng bằng các hình thức man rợ như chém đầu, dùng cuốc bổ vào đầu, nắm chân trẻ con đập đầu vào các gốc cây..., chúng tôi không khỏi rùng mình, thầm nghĩ may là điều kinh khủng ấy không xảy ra trên đất nước mình. Có ngờ đâu khi đến Ba Chúc, chúng tôi gặp lại nỗi đau mà nhân dân Campuchia từng gánh chịu. Ông Thạch Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND xã, đưa ra những con số thống kê khác sau ngày Ba Chúc bị quân diệt chủng dìm trong biển máu: “Xã có 2.840 căn nhà bị đốt cháy, 24 chùa am lớn nhỏ bị phá hủy, nhân dân đói hai năm liền (1978 - 1979), trẻ em hai năm liền không trường học vì bốn điểm trường bị phá hủy...”.

Trước cuộc thảm sát, dân số Ba Chúc tính đến đầu năm 1977 là 16.779 người nhưng một năm sau thảm họa chỉ còn xấp xỉ 700 người. Từ đống tro tàn đổ nát và chết chóc ấy, nhân dân Ba Chúc với bản tính chịu thương chịu khó, lại được sự quan tâm, san sẻ của nhân dân cả nước đã bắt tay xây dựng cuộc sống mới. “Nỗi đau rồi cũng dần nguôi ngoai. Người dân Ba Chúc ý thức được rằng, để cái chết của những người thân yêu và bà con không trở nên vô ích, họ không được phép buông xuôi, bỏ cuộc mà phải phấn đấu để Ba Chúc hồi sinh trở lại” - ông Đức bộc bạch.

Rời cụm nhà mồ Ba Chúc, bỏ lại những nỗi đau quá khứ đang ngủ yên, chúng tôi trở lại thực tại của Ba Chúc hôm nay. Từ một vùng đất chết, Ba Chúc nay đã là thị tứ nhộn nhịp với hệ thống điện - đường - trường - trạm phủ kín. Những cánh đồng ngổn ngang xác người ngày nào nay là đồng lúa trĩu hạt. Đi giữa xóm làng yên bình, chúng tôi bắt gặp nụ cười mãn nguyện của những cụ già, những người từng chứng kiến khắp xóm làng Ba Chúc đầy xác người, đổ nát, hoang tàn, lòng không nghĩ rồi có một ngày Ba Chúc có thể gượng dậy và phát triển như hôm nay. Cụ Trần Văn Lợi (78 tuổi, ngụ ấp Thanh Lương) bày tỏ: “Tôi cũng không nghĩ trên những “cánh đồng chết” ngày nào lại có thể hiện diện những ngôi nhà khang trang, rồi trường học các cấp, bệnh viện, các công trình sinh hoạt văn hóa, thể thao... Những điều này ngoài sức tưởng tượng”.

Theo ông Thạch Văn Lợi, sau cuộc thảm sát rợn người năm nào, đã có nhiều thế hệ con em Ba Chúc trưởng thành, nhiều em sau khi học đại học đã trở về phục vụ địa phương. Ba Chúc ngày càng phát triển một phần nhờ sự cống hiến ấy.