Học sinh trượt tốt nghiệp THPT - Tùy theo nhu cầu khả năng

(ANTĐ) - Theo thống kê kết quả thi lại lần thứ 2 tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), bổ túc trung học phổ thông (BTTHPT) còn trên 240.000 học sinh chưa tốt nghiệp THPT.

Học sinh trượt tốt nghiệp THPT - Tùy theo nhu cầu khả năng

(ANTĐ) - Theo thống kê kết quả thi lại lần thứ 2 tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), bổ túc trung học phổ thông (BTTHPT) còn trên 240.000 học sinh chưa tốt nghiệp THPT.

Để tạo thêm cơ hội cho người học, giúp học sinh trở thành người lao động có nghề nghiệp và có thể học lên trong tương lai, Bộ GD-ĐT vừa chính thức có hướng dẫn về tuyển sinh và đào tạo những học sinh này nếu có nguyện vọng học trong các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Rút ngắn thời gian đào tạo

Để hình thành chương trình đào tạo phù hợp với những học sinh trượt tốt nghiệp năm nay, Bộ  GD-ĐT đã đồng ý để các trường miễn trừ những nội dung kiến thức các môn mà học sinh đã học trong trường phổ thông và có kết quả điểm tổng kết đạt yêu cầu (từ 5,0 điểm trở lên). Như vậy, đồng nghĩa với việc thời gian đào tạo sẽ được rút ngắn.

Học sinh trượt tốt nghiệp sẽ có cơ hội học nghề và văn hóa ở các trường TCCN (ảnh có tính minh họa)
Học sinh trượt tốt nghiệp sẽ có cơ hội học nghề và văn hóa ở các trường TCCN (ảnh có tính minh họa)

Theo đó, đối với học sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT hoặc BT THPT nhưng chưa được công nhận tốt nghiệp, có thể xem xét tiếp nhận vào học TCCN khóa đào tạo 2 năm cộng với từ 3 tháng đến 6 tháng theo một trong các phương án tuyển sinh như dựa vào kết quả học tập trong học bạ lớp 12 hoặc dựa vào điểm số đạt được trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc BT THPT.

Học sinh tiếp tục bồi dưỡng văn hóa trong trường nghề

Xuất phát từ đặc thù những học sinh bỏ dở chương trình THPT giữa chừng hoặc trượt tốt nghiệp đều ở mức học lực dưới trung bình trở xuống nên Bộ    GD-ĐT đã yêu cầu các trường TCCN ngoài việc đào tạo theo những nội dung được quy định trong chương trình khung TCCN hiện hành thì cần ôn tập, bồi dưỡng những nội dung kiến thức văn hóa.

Mức độ là nhằm đảm bảo trình độ văn hóa để học sinh có thể tiếp nhận những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Nội dung ôn tập, bồi dưỡng kiến thức văn hóa do hiệu trưởng nhà trường quyết định. Tùy theo nhu cầu, khả năng của học sinh và điều kiện cụ thể của mỗi trường, nhà trường có thể tạo điều kiện để cho các em học thêm văn hóa để có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT vào năm sau. Điều này không bắt buộc với học sinh.

Để tạo điều kiện cho các trường TCCN tiếp nhận những học sinh nói trên, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT căn cứ tình hình thực tế ở địa phương đề xuất bố trí thêm kinh phí và chỉ tiêu cho các trường TCCN trên địa bàn.                     

  Duy Anh