Học sinh, sinh viên đến học trực tiếp là cần thiết, tích cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều tháng ngày mong mỏi, tiếng trống trường rộn rã lại vang lên ở khắp mọi địa phương trên cả nước để chào đón học sinh và thầy cô trở lại giảng đường sau thời gian dài phải học trực tuyến. Việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 đã dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, trong đó có mở cửa trường học an toàn.

Mở cửa trường học an toàn là cần thiết

Từ sáng 7-2, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội đã bắt đầu mở cửa trường học, đưa học sinh, sinh viên trở lại học tập trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng do đại dịch Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp, bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 14-2.

Cùng với đó, theo Bộ GD-ĐT, 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại trong tháng 2-2022. Hiện có 60/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh bậc mầm non, tiểu học quay trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2. Như vậy, sau gần như trọn cả học kỳ 1 của năm học 2021-2022, học sinh ở phần lớn các tỉnh và thành phố trên cả nước phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nay thầy và trò được trở lại mái trường thân yêu để học trực tiếp. Có thể nói, việc tạm dừng đến trường trong thời gian dài nhiều tháng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất, tinh thần cũng như chất lượng học tập.

Dù thời gian qua, ngành giáo dục tổ chức, điều chỉnh các hoạt động dạy và học để thích ứng với tình hình dịch Covid-19, nhiều địa phương tổ chức dạy học linh hoạt, kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến và trên truyền hình, song do đa số học sinh không được đến trường đã dẫn tới không ít hệ lụy không mong muốn. Việc học sinh không được đến trường trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy, học mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề tâm sinh lý của học sinh, sinh viên và tác động tới nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội.

Mở cửa trường học khi dịch bệnh được kiểm soát tốt là cần thiết và mang lại nhiều hiệu ứng tích cực

Mở cửa trường học khi dịch bệnh được kiểm soát tốt là cần thiết và mang lại nhiều hiệu ứng tích cực

Một số nghiên cứu của giới chuyên môn cho thấy, việc không được đến trường, phải ở nhà học trực tuyến khiến tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng cao. Tỷ lệ thiếu tập trung và không hứng thú học tập khá cao; tình trạng tự ti, mất phương hướng, bị rối loạn giấc ngủ, hay cáu gắt, lo lắng không lý do cũng xảy ra phổ biến đối với cả giáo viên và học sinh.

Vì vậy, việc mở cửa trường học để học sinh, sinh viên đến học trực tiếp là cần thiết, mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Mở cửa trường học cần theo tinh thần chung là thích ứng, linh hoạt, bảo đảm an toàn để thúc đẩy dạy học hiệu quả, chất lượng.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cho rằng, các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần cập nhật, đánh giá mức độ dịch để quyết định linh hoạt việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế.

Cuộc sống đang bình thường trở lại

Tuy nhiên, với hơn 22,6 triệu học sinh, sinh viên các cấp, bậc học trên cả nước đi học trực tiếp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp cũng đặt ra nhiều vấn đề không chỉ cho thầy, cô giáo, ngành Giáo dục mà còn cho cả các cấp, các ngành và cha mẹ học sinh. Những ngày qua, việc có nên để học sinh trở lại trường học trực tiếp hay không đã dẫn tới những luồng ý kiến trái chiều.

Có không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại việc để học sinh THCS, THPT trở lại trường có thể tiềm ẩn những nguy cơ nhiễm và lây lan dịch bệnh. Những lo lắng này không phải không có cơ sở khi mà những ngày qua số ca mắc mới ở nước ta còn khá cao, với trên 10 nghìn, thậm chí 14 -15 nghìn trường hợp mỗi ngày. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của biến thể Omicron có tốc độ lây lan gấp 7 lần biến thể Delta khiến đã lo càng thêm lo. Trong khi đó, tuổi học trò hiếu động, ý thức chưa sâu sắc nên khó có thể đảm bảo tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch, nhất là “5K”.

Thế nhưng, có nhiều ý kiến ủng hộ việc sớm đón học sinh tới trường học trực tiếp. Theo đó, dù dịch bệnh ở nước ta còn phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, đặc biệt tỷ lệ số ca nặng phải nhập viện và tỷ lệ số trường hợp tử vong do Covid-19 đang giảm sâu. Cùng với tỷ lệ tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho giáo viên và học sinh từ lớp 7-12 ở mức khá cao.

Sau khi triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi từ tháng 11-2021 với vaccine tiêm là Pfizer, việc tiêm phủ cho học sinh diễn ra rất khẩn trương. Theo thống kê đến ngày 1-2-2022, số liều vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi là hơn 16,2 triệu liều, trong đó mũi 1 là hơn 8,4 triệu liều, mũi 2 là hơn 7,8 triệu liều.

Đến nay đã có 37/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80% - dưới 90% gồm: Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, TP.HCM, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang. 10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 23% - dưới 80% gồm: Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương.

Bộ Y tế cho biết, hiện có 32 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho trẻ em, trong đó có Hà Nội. Nói cách khác, với tỉ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 của học sinh và giáo viên như vậy có thể tạm thời yên tâm để có thể học trực tiếp trong thời gian tới.

Nhằm sớm mở cửa trường học an toàn, Bộ GD-ĐT thời gian qua đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến với các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, y tế về phương án đưa trẻ trở lại trường và nhận được các ý kiến đồng thuận. Tất nhiên, việc học sinh, sinh viên mà trước mắt là học sinh THCS, THPT, trở lại trường có thể nảy sinh những sự cố ngoài mong muốn như có các trường hợp lây nhiễm… Vì thế, nhiều địa phương cùng ngành giáo dục đã tổ chức diễn tập đón học sinh trở lại trường, trong đó đặt ra những tình huống cần xử lý phòng, chống Covid-19.

Mở cửa trường học trở lại đòi hỏi không chỉ có sự chuẩn bị ở trường học mà cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh, học sinh và giáo viên vì sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp. Những ngày đầu, cơ sở giáo dục cần phối hợp cơ sở y tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cha mẹ học sinh cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; diễn biến tâm lý nhằm kịp thời tư vấn, giúp các em có nhận thức, thái độ, hành vi, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh để sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Mở cửa trường học an toàn cho thấy cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại trên đất nước ta những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022 này.