Tết của thầy, cô giáo chính là sự thành công của học trò

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tết đến, xuân về, trong vô vàn khó khăn khi đại dịch Covid-19 kéo dài, các thầy, cô giáo vẫn miệt mài sáng tạo bằng cả trí tuệ, tâm huyết, tình cảm để thêm nhiều “trái ngọt” trong sự nghiệp trồng người.
Tác giả Vinh Hương

Tác giả Vinh Hương

Thành công của học trò chính là Tết

Với nhiều nhà giáo, Tết không chỉ là khái niệm hẹp, là niềm vui mỗi khi đón năm mới. Tết của các thầy cô chính là khi học trò của mình từ các em vốn được xếp vào diện cá biệt nay đã thành công vượt lên bản thân và hợp tác cùng thầy cô để trưởng thành và tạo dựng được thành tích đáng tự hào.

Là một giáo viên trẻ, năng động, cô Nguyễn Thúy Quỳnh, giáo viên trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ những khoảnh khắc vui hơn Tết khi đón nhận được tình cảm và những tiến bộ không ngờ từ học trò. Với năng lực chuyên môn vững, cô Nguyễn Thúy Quỳnh được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao khối lượng công việc rất lớn và phức tạp khi phụ trách chủ nhiệm 2 lớp cùng thời điểm. Cô Quỳnh cho biết bản thân đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng môi trường kỷ luật tích cực trong lớp học.

“Kỷ luật tích cực có rất nhiều nội dung với nguyên tắc: Luôn nhấn mạnh vào điều nên làm hơn là nói đến việc không được làm, tôn trọng nhân phẩm và thể chất học sinh, đánh giá hành vi không đánh giá nhân phẩm, hướng đến giải pháp thay vì trừng phạt. Tôi áp dụng trao quyền xây dựng nội quy cho học sinh với yêu cầu vào những việc cần làm để có một tập thể kỷ luật và học tập tích cực” - cô Quỳnh chia sẻ - “Giải pháp phù hợp với quy trình giải quyết các vấn đề trong cuộc sống chứ không chỉ trong dạy và học. Tôi thực sự kỳ vọng với hình thức này, giáo viên sẽ giáo dục học sinh hiệu quả, đặc biệt là việc tập trung khắc phục những hành vi vi phạm có tính hệ thống hoặc có tính nghiêm trọng”.

Nói về học trò “đặc biệt” Trần Khôi Nguyên, cô Quỳnh chia sẻ em này thường xuyên nói chuyện trong giờ học, không chép bài, ảnh hưởng đến không khí học tập của cả lớp. Trò chuyện với cậu học trò này, cô Quỳnh biết nguyên nhân là vì cậu hay soạn thiếu sách vở và đồ dùng học tập nên không thực hiện được nội dung thầy cô yêu cầu trên lớp. Sau khi thảo luận về cách khắc phục tình trạng này, Trần Khôi Nguyên cam kết sẽ mang đầy đủ sách vở, không mang đồ chơi đến trường. Cùng với đó, nhận thấy cậu học trò có năng lực về lắp ráp, chế tạo, cô Quỳnh tặng cho Trần Khôi Nguyên một phần thưởng trở thành thành viên của đội STEM của lớp để em được tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo của mình.

“Em học sinh này không thành công ngay từ những hợp đồng đầu tiên mà cần hết một học kỳ để khắc phục. Cũng từ đó, cậu đã thực sự tiến bộ và đã giúp lớp dành được giải thưởng trong hoạt động STEM của nhà trường. Đây chính là niềm vui mà chỉ thầy cô mới có được khi học trò của mình nhờ hỗ trợ của giáo viên đã thực sự chiến thắng những hành vi chưa đúng của mình, từ đó đem lại những thành tích đáng công nhận cho bản thân và tập thể lớp” - cô Quỳnh cho biết.

Cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh (Trường THCS Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh (Trường THCS Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Thành công từ phương pháp kỷ luật tích cực của cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh được nối tiếp với nhiều học sinh. Mỗi học sinh một hoàn cảnh, một cá tính. Lê Thanh Thảo - học sinh lớp cô Nguyễn Thúy Quỳnh chia sẻ, em thấy bản hợp đồng hành vi như một bản kế hoạch để mình sửa chữa lỗi sai của mình theo cách tự nhìn nhận, đánh giá, tự đưa ra phương pháp thay đổi cũng như hình thức kỷ luật hay phần thưởng. Thảo cảm nhận rõ sự tôn trọng, khích lệ từ cô giáo. Từ đó, Thảo đã bình tĩnh nhận thấy lỗi sai của mình và có động lực để thay đổi.

Với những nỗ lực không ngừng trong việc liên kết, gắn bó, tháo gỡ khó khăn cho học trò, kết hợp với phụ huynh kiên trì theo đuổi hình thức kỷ luật tích cực, Tết năm nay, cô Nguyễn Thúy Quỳnh nhận được một niềm vui không nhỏ. “Năm học 2021-2022, cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh đã được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội vinh danh là Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực và cống hiến của một cô giáo tài năng, nhiệt huyết, đang ở độ chín về tuổi nghề, là một nhân tố xuất sắc của trường” - Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Mai Chu Thị Xuân Hường chia sẻ.

Niềm vui nhân lên với kết nối cộng đồng

Đại dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng lớn tới mọi người, mọi công việc. Nhiều người không thể đi làm, trẻ em không thể đến trường. Tuy nhiên, với cô giáo Trần Thu Thủy, trường THCS Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội), điều này càng thôi thúc cô tìm ra biện pháp thích nghi, khắc phục để hoàn thành tốt nhất công việc. Niềm vui không nhỏ của cô Trần Thu Thủy trong năm nay chính là sự lan tỏa không ngừng của cộng đồng các nhà giáo cùng chung một tâm huyết với nghề nghiệp trong “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển”. Xuất phát từ nhu cầu ban đầu là chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, cô Thủy - một giáo viên trẻ có nhiều đổi mới sáng tạo trong sinh hoạt chuyên môn và đã cùng Ban Giám hiệu trường THCS Thượng Thanh thành lập “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển”.

Đến nay, nhóm đã phát triển với quy mô hơn 3.000 thành viên trên khắp cả nước. “Thực sự tôi cảm thấy rất bất ngờ và vui mừng khi được kết nối với đồng nghiệp ở khắp đất nước. Các bạn đồng nghiệp đều có những kỹ năng, sản phẩm “tủ” rất đặc biệt và không ngần ngại chia sẻ cho đồng nghiệp học tập, đem lại hiệu quả không ngờ cho giáo viên, nhất là trong giai đoạn chuyển sang học trực tuyến” - cô Trần Thu Thủy chia sẻ.

“Nhóm các nhà giáo cùng nhau phát triển” tập hợp các hoạt động hỗ trợ giáo viên để nâng cao năng chuyên môn, đặc biệt là năng lực và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin được chú trọng để thầy cô có những tiết học lôi cuốn học trò trong giai đoạn học trực tuyến. Đặc biệt, mô hình này có tính lan tỏa cao khi phát huy hiệu quả tại nhiều trường trên địa bàn Hà Nội. Hiệu trường THCS Cổ Loa (huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Thuần cho biết, với mô hình xây dựng cộng đồng các nhà giáo cùng chia sẻ về chuyên môn, nhà trường đã hình thành câu lạc bộ về tin học của trường có 4 thầy cô không chuyên công nghệ nhưng giàu nhiệt huyết và đam mê.

Chia sẻ về sản phẩm tâm huyết của mình, cô Thủy cho biết, một trong những vấn đề hay vấp phải của học sinh hiện nay là học thụ động, lười chuẩn bị, không biết cách tự học, tự tìm hiểu bài giảng trước khi đến lớp dẫn tới lơ mơ, không nắm được nội dung môn học do học trực tuyến thiếu sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. “Để định hướng cho học sinh chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp, luyện tập - vận dụng kiến thức đã học làm các dạng bài tập, ôn tập kiến thức trước những bài kiểm tra và thậm chí là có thể kiểm tra, đánh giá học sinh và đặc biệt là tổ chức các hoạt động học tập, tương tác cho học sinh trong một giờ học trực tuyến, tôi đã sử dụng nhiều phần mềm, ứng dụng công nghệ khác nhau. Trong đó, sáng kiến kinh nghiệm mang đến cho bản thân tôi và học sinh những hiệu quả rõ rệt là phiếu bài tập bằng Google Forms” - cô Thủy cho biết.

Theo cô Trần Thu Thủy, việc chuẩn bị bài mới môn Ngữ văn trên phiếu học tập Google Forms giúp học sinh phát huy được tính chủ động, tích cực trong học tập, rèn được thói quen tự học, ý thức chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp. Các em cũng dễ dàng truy cập vào một khối lượng lớn thông tin và kiến thức có sẵn, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Với phiếu bài tập, học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, có được nguồn tư liệu ôn tập kiến thức môn Ngữ văn cụ thể, chi tiết, dễ nhớ. Điều này thể hiện trên thực tế, học sinh đã chủ động truy cập lại phiếu học tập hướng dẫn chuẩn bị bài mới khi ôn tập kiểm tra định kỳ.

Theo cô giáo Trần Thu Thủy, việc sử dụng phiếu bài tập bằng Google Forms không chỉ áp dụng khi học trực tuyến mà hoàn toàn phát huy hiệu quả khi học trực tiếp khi các em được đến trường trở lại. Với những nỗ lực linh hoạt và sáng tạo trong giai đoạn học sinh Hà Nội cùng nhiều địa phương trên cả nước phải tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập, niềm vui vào thời điểm cuối năm 2021 với cô Trần Thu Thủy là sự ghi nhận một trong những tấm gương nhà giáo tâm huyết sáng tạo của ngành Giáo dục Thủ đô.