Học sinh mù gõ khắp các cửa xin… thi đại học

Một học sinh 7 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhưng em có thể sẽ không thể dự thi đại học chỉ bởi em là học sinh khiếm thị và bởi việc tổ chức  tuyển sinh đại học cho học sinh khiếm thị ở nước ta còn quá … lúng túng.

Học sinh mù gõ khắp các cửa xin… thi đại học

Một học sinh 7 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhưng em có thể sẽ không thể dự thi đại học chỉ bởi em là học sinh khiếm thị và bởi việc tổ chức  tuyển sinh đại học cho học sinh khiếm thị ở nước ta còn quá … lúng túng.

Hai anh em Ất và ước mơ vào đại học.
Hai anh em Ất và ước mơ vào đại học. 

7 năm là học sinh giỏi …

Một học sinh khiếm thị, có gia cảnh ngặt nghèo nhưng 7 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các lớp học hoà nhập. Đó là em Nguyễn Hữu Ất, học sinh trường THPT chuyên Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Với học lực đó, khả năng đỗ vào đại học của Ất là không xa vời. Thế nhưng, việc tổ chức thi tuyển, đào tạo sinh viên khiếm thị ở các trường đại học trong nước hiện nay vẫn còn khá... lúng túng. Vì thế hai anh em Ất đang phải lang thang ở Hà Nội, gõ cửa khắp các trường Đại học và cơ quan chức năng để... trình bày nguyện vọng.

Nhìn học bạ cấp 3 của Nguyễn Hữu Ất (Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An), không ai nghĩ đó là kết quả học tập của một sinh khiếm thị. Cả 4 năm cấp 2 và 3 năm cấp 3, điểm trung bình các môn học của Ất đều trên 8,0 - xếp loại học sinh giỏi. Chỉ có môn thể dục, cậu được đặc cách chỉ thi lý thuyết và số cũng luôn trên 8,0.

Làm sao có thể học giỏi như vậy, trong khi không hề có sách vở bằng chữ nổi? Ất điềm đạm trả lời: "Quan trọng nhất là ở lớp em tập trung nghe giảng bài, viết lại bằng chữ nổi Braile. Về nhà, em nhờ người em trai đọc sách cho nghe và ghi lại những ý chính. Cũng may là hai anh em học cùng lớp nên giúp đỡ nhau rất nhiều".

Thời điểm khó khăn nhất của Ất là lúc bước vào lớp 6 tại lớp học hoà nhập, sau khi hoàn thành chương trình phổ cấp tiểu học tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật. Việc hòa nhập cùng các bạn sáng mắt, theo kịp các bài giảng trên lớp, tiếp thu kiến thức như các bạn là điều không dễ dàng.

Bởi vậy, lúc đầu Ất chỉ được học dự thính chứ không có tên trong danh sách chính thức. Nhưng nghị lực và sự chăm chỉ của Ất đã chinh phục các thầy cô về khả năng thích nghi, hòa nhập rất nhanh của cậu. Sở giáo dục - Đào tạo Nghệ An đã đặc cách tuyển thẳng Ất vào trường THPT Quỳnh Lưu 1 - trường chuyên của huyện.

… và ước mơ giảng đường đại học

Tốt nghiệp cấp 3, Ất quyết định thi vào Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, khối A. Băn khoăn về tình trạng sức khỏe của mình, Ất đã gọi điện hỏi ý kiến Hội người mù Việt Nam và được biết chưa có học sinh khiếm thị nào dự thi khối A.

Gọi tới ĐH Sư phạm Hà Nội, Ất bị từ chối vì "trường không đào tạo học sinh khuyết tật". ĐH Kinh tế quốc dân cũng lúng túng vì "không thể lập riêng một hội đồng thi cho một thí sinh khiếm thị".

Vụ ĐH (Bộ Giáo dục - Đào tạo) ủng hộ việc Ất dự thi đại học, tuy nhiên, "được hay không vẫn phải do các trường quyết định".

Cậu học trò 17 tuổi nộp thẳng hồ sơ dự thi vào ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia HN), kèm theo lá đơn trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng của mình. Đọc lá đơn của Ất, chúng tôi không kìm được xúc động bởi khát vọng được học của cậu học trò hiếu học này.

Đầu tháng 6.2007, Ất đã nhận được giấy báo dự thi. Nhưng oái oăm là giấy báo ghi ngành dự thi là Quản trị kinh doanh thuộc trường ĐH Khoa học tự nhiên, trong khi ĐH Khoa học tự nhiên không hề có khoa này.

Sáng 20.6, hai anh em đáp xe lên Hà Nội, đến thẳng trường ĐH Kinh tế xin gặp thầy hiệu trưởng với hi vọng có cơ hội biến giấc mơ vào ĐH thành hiện thực. Tuy nhiên, nếu để Ất thi bằng chữ nổi Braile, sẽ phải ra đề riêng cho em, phải có một hội đồng chấm thi riêng cho em. Ban giám hiệu đã có một cuộc họp nhưng chưa có quyết định cuối cùng.

Dự kiến ngày 21.6, anh em Ất sẽ lên trên Bộ Giáo dục - Đào tạo để hỏi ý kiến. "Em sẽ làm hết sức mình để được tham dự kỳ thi ĐH năm nay. Đó là giấc mơ lớn nhất của đời em" - Ất nói đầy quyết tâm.

Tiếp xúc với Ất, được biết gia cảnh của em hết sức ngặt nghèo. Trong nhà có tới 3 người mù (bố và anh trai Ất cũng mù), gánh nặng đồng áng đặt hết lên đôi vai người mẹ của Ất.

Vì thế, em xác định vào đại học là con đường duy nhất giúp mình thay đổi số phận mình, giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo vốn đã đeo bám mảnh làng nhỏ ở Quỳnh Giang từ bao đời nay.

Đặng Trung Kiên-Hải Phong

Lao Động