
Tang vật vụ án
Điều đáng nói, các vụ phạm tội được thực hiện chủ yếu qua…điện thoại. Đối tượng được cơ quan công an vận động đầu thú mới đây nhất, hôm 12-10, là Nguyễn Văn Thiên (34 tuổi), trú ở phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo CQĐT, Thiên cùng các đồng phạm đã được một nhóm đối tượng ở Trung Quốc lôi kéo, đưa sang bên kia biên giới để đào tạo “kỹ năng” lừa đảo qua điện thoại. “Trung tâm huấn luyện” của ổ nhóm này đặt tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
Trong thời gian dài, bọn chúng đã giả danh Công an, Viện Kiểm sát thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước… Cùng với việc vận động đối tượng Nguyễn Văn Thiên từ Trung Quốc về Việt Nam đầu thú, đến nay, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã bắt giữ được tổng cộng 7 đối tượng, bóc trần phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm.
Cầm đầu nhóm đối tượng này là A Trần, một đối tượng người Phúc Kiến. Tham gia đường dây lừa đảo, Thiên được A Trần hứa hẹn trả mỗi tháng 10 triệu đồng, cùng 6% số tiền lừa được của các bị hại. Giúp sức cho Thiện còn có Đinh Văn Đạt, Lê Bá Thuận, Nguyễn Minh Chung, Nguyễn Văn Doanh (cùng trú tại TP Biên Hòa, Đồng Nai); 2 anh em ruột Trần Văn Lợi, Trần Văn Thắng (quê quán Nghĩa Hưng, Nam Định); và Nguyễn Thị Hằng, trú tại Quảng Ninh.
Các đối tượng này cũng từng được A Trần đào tạo tại Phúc Kiến. Sào huyệt của A Trần, theo lời khai của các đối tượng bị bắt, là căn nhà 2 tầng, với tầng 1 được ngăn làm các gian nhỏ có lắp đặt máy tính, thiết bị công nghệ cao, điện thoại, bộ đàm. Chuỗi thiết bị này giúp các đối tượng có thể tạo ra bất cứ số điện thoại nào chúng muốn.
Ngoài nhóm đối tượng người Việt Nam, những kẻ cầm đầu ở Phúc Kiến còn bố trí 2 đối tượng người Trung Quốc túc trực tại Móng Cái (Quảng Ninh), và thuê một người Việt Nam làm phiên dịch để thực hiện việc rút tiền lừa đảo được tại các cây ATM hay các phòng giao dịch. Sau đó, chúng chuyển ngay tiền về Trung Quốc. Vụ án đang được CQĐT tiếp tục điều tra mở rộng.