“Học” hay “hành”?

(ANTĐ) - Trước tình trạng trẻ em bỏ học, trốn học nhiều, người lớn chỉ biết đổ lỗi cho game, Internet... đã lôi kéo, làm hỏng con em mình mà không nghĩ xem nguyên nhân vì sao chúng không muốn đến trường.

“Học” hay “hành”?

(ANTĐ) - Trước tình trạng trẻ em bỏ học, trốn học nhiều, người lớn chỉ biết đổ lỗi cho game, Internet... đã lôi kéo, làm hỏng con em mình mà không nghĩ xem nguyên nhân vì sao chúng không muốn đến trường.

Trẻ em đang phải chịu vô vàn áp lực vượt quá sức chịu đựng của lứa tuổi thiếu niên: sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ, chương trình học quá nặng, các em hầu như không còn thời gian để vui chơi giải trí.

Sáng đến trường, chiều ở lại trường học thêm, tối “cắm đầu” vào làm bài tập về nhà, ngày hôm sau lại chu trình đó, thậm chí theo kết quả điều tra tại một trường tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội, 95,5% học sinh phải học thêm cả vào ngày nghỉ cuối tuần.

Mô hình giáo dục theo kiểu Kim tự tháp của nước ta đang làm cho trẻ em phải gánh trên đôi vai non nớt những trách nhiệm nặng nề. Nhà trường chạy theo thành tích nên “gò” học sinh, cha mẹ muốn con trong tương lai sẽ thành “ông này, bà nọ” nên “ép” theo hết trường chuyên, lớp chọn đến “lò luyện học sinh giỏi” hay mời gia sư về kèm cặp.

Cha mẹ biến con cái mình thành “công cụ” trong những cuộc chạy đua thể diện mà quên đi, thậm chí không cần biết chúng nghĩ gì, muốn gì. Thêm vào đó, tình trạng bạo lực vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều trường học: Giáo viên hành hạ, bắt phạt học sinh bằng những “chiêu” kinh dị như ném phấn vào mồm học sinh nào nói chuyện, bắt cả lớp... liếm ghế vì một học sinh vẽ bậy lên ghế giáo viên, cô giáo tát, lăng mạ, dọa nạt học sinh khiến học sinh sợ thầy, cô như... sợ cọp.

Thế nên, để học sinh thực sự cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, nhà trường, phụ huynh và cả ngành giáo dục cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc phương pháp đào tạo, thậm chí cả nhận thức của mình và đạo đức giáo viên. Hãy để lứa tuổi thiếu niên được học, chứ không phải bị... hành như bây giờ.

Bảo Trâm