Hoạt động từ thiện – cần minh bạch và tìm hiểu nhau kỹ hơn

ANTD.VN - Anh Giàng A Phớn - Giám đốc Công ty Dịch vụ - du lịch & thương mại Hà Giang trẻ, kể cho phóng viên An ninh Thủ đô về những mặt nọ, mặt kia của công tác từ thiện. 

PV: Về vấn đề minh bạch tài chính của những người đi làm từ thiện, có hay không những sự nhập nhèm?

Anh Giàng A Phớn - Công ty lữ hành Hà Giang trẻ: Có việc là thường thì các đoàn không thực hiện tài chính công khai. Chắc là theo thói quen(!) Đầu ra, đầu vào nhiều người không nắm được, không hình dung được. Mặc dù có thể cá nhân người cầm tiền đã bỏ tiền túi ra để chi 1 vài khoản, nhưng bản thân những người xung quanh không thấy được điều đó, làm cho người ta có sự nghi kỵ.

Việc như hôm nay cho quần áo, ngày mai cho ủng, thì ai cũng thấy. Nhưng mua sắm cái này hết bao nhiêu tiền thì không ai quản được nó. Cần có việc công khai mua chừng này, một đôi ủng bao nhiêu tiền, một cái bánh bao nhiêu tiền, tổng cộng ra, thu chi bao nhiêu.

Bây giờ, các đội nhóm tình nguyện thường chưa có số tài khoản riêng cho việc hoạt động, để mọi người cùng kiểm soát được. Vẫn là kiểu em đứng ra, thì là tài khoản của em, mọi người chuyển vào, và không ai kiểm soát được.

Từ thiện cũng phải tính toán sao cho hiệu quả.

Có những người từ TP.HCM gọi bảo bây giờ chị muốn gửi hiện vật: 100 quyển vở ra. Nhưng mà tiền cước gấp 3 lần giá trị số quyển vở. Bọn em bèn tư vấn là chị gửi sẽ mất cước từng này, vậy thì thay vào đó, bọn em ở đây sẽ mua hộ chị từng này. Trước khi mua bọn em sẽ báo giá cho chị, sản phẩm nào, tên là gì, vở thì bao nhiêu trang, mấy ô ly, giá bao nhiêu.

Khi báo xong các chị cứ kiểm tra, khi họ nhận họ sẽ check lại và có sự so sánh. Tức là mình sẽ giảm được chi phí vận chuyển. Chứ công họ đưa ra xe, từ xe ra sân bay, một đoàn đi chơi không mà mang vác nặng hơn cả áp tải hàng nữa thì chuyến đi chơi không còn thú vị nữa rồi.

Vấn đề ở đây là giải pháp?

Giải pháp và việc hiểu rõ nơi mình đến. Mùa mưa năm ngoái, bọn em có được 3 đoàn từ TP.HCM ra đi từ thiện cho bà con chăn. Lúc đấy là mùa mưa miền Trung, Mà xe thì chở từ TP.HCM ra, qua miền Trung lại gặp lũ, ướt hết. Bọn em phải huy động hết anh em ôm từng chiếc chăn sũng nước từ tầng 1 lên tầng 5 nhà để mà phơi sân thượng.

Đấy cũng là những cái nan giải, rất vất vả mà tốn rất nhiều công. Xong phơi làm sao nó khô hết được? Cái chăn mới nó có mùi mưa ướt ẩm vào là nó thành mùi chăn cũ ngay, giảm ngay giá trị mang lại cho người dùng.

Mùa này là mùa mưa của Hà Giang, và mùa làm ruộng của Hà Giang. Mùa nước đổ, bà con đi xới đất làm ruộng làm lúa. Đoàn các anh chị đi lẻ chỉ có độ 20 tập vở, 20 cái bút thôi, nhưng muốn tập trung các cháu lại để cho để lấy hình ảnh. Bây giờ họ không tin tưởng giao cho thôn hoặc không tin tưởng giao cho bọn em, mà muốn trao trực tiếp trong khi thời gian có hạn.

Thực tế bà con người Dao làm lúa thì mỗi nhà một quả đồi, đi từng nhà làm sao mình phát được cho họ? Mà trẻ con tiểu học nó tự đi từ nhà nó xuống thôn nhận quà đấy thì nói thật là không bõ. Mà bây giờ không báo bà con xuống mình không nhiệt tình với mọi người, lại bảo chê quà.

Mà bảo thẳng với mọi người thì mọi người sẽ tự ái. Mùa làm nương chẳng nhẽ để bà con bỏ 1 ngày công, đèo con từ trên đồi xuống dưới này nhận quà đấy. Trong khi lịch trình mình đi đường xa xôi, có phải hẹn 8 giờ là 8 giờ đến được đâu? Bà con đợi dài cổ có khi 10 giờ mới đến. Thành ra cái giá trị mang lại cho họ là không hợp lý.

Nhiều đoàn lại đi theo kiểu tiết kiệm, tức là cuối tuần đi chơi thì tặng quà luôn. Nhưng các trường chỉ học thứ 6 thôi, chiều thứ 6 các em nghỉ vì học bán trú để về. Các đoàn du lịch của mình thì thứ Bảy, Chủ nhật mới đến được Hà Giang. Mà học sinh ở lại bán trú thì nhà trường phát sinh tiền ăn. Học mỗi sáng thứ 6, chiều học sinh về rồi là giáo viên không phải ở lại quản học sinh, tổ chức ở lại ngày mai đợi thì phải có người ở lại quản, công tác an ninh đảm bảo cho trẻ em có việc gì chết nhà trường, chết cả phòng giáo dục huyện.

Rồi phải lo thêm cho các em bữa ăn tối rồi thêm bữa sáng. Rồi sáng còn làm công tác học sinh. Rồi thêm chi phí điện nước, đấy cũng là chi phí cho nhà trường. Nếu không hiểu được những điều đó, cứ đến đó rồi bảo nhà trường chảnh, là không muốn nhận quà từ thiện cho các em, thì hai bên tạo khoảng cách. Chứ không phải thầy cô người ta đòi hỏi gì cho người ta đâu, người ta cũng muốn học sinh người ta tốt hơn.

Các chương trình thiện nguyện đến nhà trường cũng là điểm nhấn, một sự kích thích để các em hiểu là được mọi người quan tâm, cứ đi học là sẽ có cái này. Một lợi ích cộng đồng. Cũng là động viên khuyến khích thầy cô, học sinh trường đó chứ. Nhưng quan trọng là cái mở ra được hai bên hiểu nhau.

Thế còn việc người ta nhận được thông tin là trường này nghèo đói này nọ nhưng thực ra nó chưa đến mức độ đấy, nó không bị nghèo khổ so với xung quanh thì tình trạng ấy có nhiều không?

Không phải nhiều mà rất nhiều, chiếm đến 70%. Đầu tiên là do truyền thông. Theo truyền thông anh cảm giác chỗ này nghèo, nhưng thực tế có nhiều chỗ nghèo hơn. Thứ hai là do tiền trạm ban đầu, mình làm việc muốn chỉn chu thì mình đừng có nghe nói, mình phải cho một ông đi tiền trạm trước, đừng nghe một chiều mà mình phải có kiểm chứng, check lại.

Mình có nhiều cách để kết nối. Có thể là ở địa phương anh em sẽ kết nối với anh để biết địa phương anh có thực tế như thế không. Hoặc là vừa rồi tôi thấy mạng đưa địa phương anh nhiều quá thì có nhiều đơn vị đến để hỗ trợ chưa? Để tránh tình trạng bội thực, tức là quá nhiều đoàn đến cùng một nơi.

Thế còn phía địa phương?

Thực sự thì tất cả các địa phương gần như họ rất ủng hộ việc đón nhận từ các nhà hảo tâm. Nhưng có cái khó là lên vùng biên thì Hà Giang là tính chất vùng biên, nên họ sẽ kiểm soát, họ luôn đặt ra câu hỏi là anh chị cho cái gì, giá trị món quà bao nhiêu và trong món quà gồm những gì? Nếu mà mới nghe rất khó chịu, mình có cái gì mình cho là quyền của mình, tại sao lại hỏi như thế, hay là muốn cho cái lớn?

Nhưng không phải, người ta phải quản lý được tất cả những cái vào địa phương người ta. Như xã Xín Cái, Mèo Vạc cách đây khoảng 4 năm trước, một đoàn từ thiện lên tặng bà con sách vở, bút mực, nhưng trong đấy lẫn vào một số đĩa và sách khiêu dâm. Bà con xem xong mang lên kiện xã.

Phát tờ rơi người ta phải kiểm tra. Hay nhiều sách phật, đạo các mạnh thường quân cũng phát những sách đó. Nhưng họ cũng phải xem có phù hợp không để có sự quản lý tốt. Dân mình ở miền núi thì nhận thức xã hội và trình độ văn hóa thấp hơn, nên là để mà tránh tình trạng đưa vào rồi thì rất khó đưa ra lại.

Những đội nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện cũng thế, các tình nguyện viên tham gia toàn là tình nguyện, mỗi người có một mục đích khác nhau. Ông thì đi làm bằng cái tâm thật, ông thì chỉ muốn đi check in xong out, ông thì muốn đi quan hệ với nhiều người, tôi đi tôi đưa cái này cho mọi người, tôi phát tờ rơi này kia.

Cảm ơn anh!