Hoãn xử, chuyện đáng bàn ở tòa
(ANTĐ) - Vào lúc 8h30, phiên tòa sơ thẩm vụ án tham ô tài sản sẽ khai mạc. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm bởi một số bị cáo từng giữ vai trò cốt cán và số tiền của Nhà nước bị thất thoát là một con số rất lớn. Chính vì thế, dù chưa đến giờ Hội đồng xét xử làm việc, phòng xử đã chật kín.
Thế nhưng vào đúng thời điểm phiên tòa chuẩn bị diễn ra, người nhà của luật sư bảo vệ cho bị cáo chủ mưu trong vụ án đưa giấy xin phép hoãn xử đến vị thẩm phán chủ tọa. Vậy là phiên tòa đành phải rời đến một ngày khác. Không ít người đã tỏ ý bực mình khi chứng kiến sự việc này.
Rất cần uy tín và sự tôn nghiêm nơi pháp đình |
Cách đây không lâu, tôi còn được chứng kiến một vụ án dân sự mà số lần hoãn phiên tòa có lẽ lên tới con số kỷ lục. Đó là phiên tòa phúc thẩm dân sự liên quan tới tranh chấp thừa kế giữa các thành viên trong một gia đình. Phía nguyên đơn có 4 người và bị đơn 2 người. Nguyên đơn thuê 4 luật sư và bị đơn thuê 2 luật sư. Sau một thời gian dài nghiên cứu hồ sơ, Hội đồng xét xử đã ấn định được ngày mở phiên tòa.
Thế nhưng, tất cả đã diễn ra không theo ý muốn của nhà tòa bởi sự nhiêu khê từ phía các đương sự cũng như luật sư của họ. Mỗi lần ấn định xong ngày xử thì đúng vào sáng ngày khai mạc, lần lượt các luật sư của nguyên đơn và bị đơn gửi đơn xin hoãn phiên tòa đến ngày khác vì bận việc đột xuất hay vì lý do sức khỏe. Tiếp theo là các nguyên đơn và bị đơn xin hoãn. Tất nhiên, việc hoãn này đều có mục đích của nó, đó là tạo sức ép với tòa án. Vậy là phiên tòa đã phải hoãn tới… 11 lần vì những lý do rất… vớ vẩn.
Hoãn xử tới 11 lần trong một thời gian ngắn thì quả là cá biệt, còn hoãn xử vài ba lần thì đó là… chuyện thường ngày ở tòa. Các vụ án hình sự hoãn xử không nhiều, nhưng các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình… thì việc hoãn xử diễn ra khá phổ biến, nhất là những vụ án tranh chấp đến một khối tài sản lớn bởi sự hoãn này đương nhiên là có lợi cho người xin được hoãn.
Có rất nhiều lý do để chủ tọa phiên tòa cho rời ngày xét xử như: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chưa trích xuất được can phạm từ tỉnh khác về; bị cáo chưa nhận được quyết định tống đạt đưa vụ án ra xét xử; bị cáo tại ngoại vắng mặt; người làm chứng trong một số vụ án quan trọng cố tình vắng mặt tại tòa; kiểm sát viên, thành viên hội đồng xét xử có việc đột xuất hay vì lý do sức khỏe; luật sư xin hoãn vì trùng với một phiên tòa khác; bị cáo, nguyên đơn, bị đơn… chưa muốn xử vì họ cảm thấy “bất lợi” khi trong hồ sơ vụ án còn một số chứng cứ chưa được thu thập; bị cáo, nguyên đơn hay bị đơn trước đó không mời luật sư, khi ra tòa lại xin hoãn để mời luật sư… Tóm lại là có vô vàn lý do khác nhau dẫn đến phiên tòa bị hoãn. Việc hoãn lần đầu khiến các thành viên Hội đồng xét xử không được thoải mái, nhưng những lần sau vẫn hoãn sẽ gây cho họ những bức xúc không cần thiết.
Pháp luật luôn quy định rất chặt chẽ những trường hợp được hoãn phiên tòa như: Thay đổi thành viên Hội đồng xét xử; sự vắng mặt của người tham gia tố tụng; các trường hợp bất khả kháng đối với đương sự (thiên tai, địch họa, bị ốm nặng, tai nạn phải đi cấp cứu trong bệnh viện, thân nhân bị chết)…, song thực tế áp dụng nhiều khi không thống nhất và nhà tòa có phần nương tay với những quy định này. Chính vì thế mới dẫn đến tình trạng một phiên tòa phải hoãn xử nhiều lần.
Rất nhiều điều luật quy định chặt chẽ về vấn đề này. Tại các điều 199, 200, 201 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về sự có mặt tại phiên tòa của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định rất cụ thể: Nếu lần thứ nhất, những người này vắng mặt có lý do chính đáng thì được hoãn phiên tòa. Nhưng lần thứ hai được triệu tập mà cố tính vắng mặt thì tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Thế mới biết, từ quy định của pháp luật đến vận dụng trong thực tiễn là một khoảng cách khá xa!
Vậy chuyện đáng bàn ở đây là gì? Điều nhận thấy ngay chính là sự lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc của Nhà nước vì một vụ án kéo dài chỉ vì những lý do không chính đáng. Thứ hai, đó là niềm tin của người dân vào cơ quan pháp luật bị giảm sút và cuối cùng, đó là uy quyền của tòa án trong việc đưa ra những phán quyết cuối cùng. Những việc này đều có thể khắc phục được trong thời gian tới, góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền và khẳng định được vị thế của cơ quan tòa án trong việc góp phần vào việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Công Minh