Hoa quả vào mùa: Mỗi chợ một giá

ANTĐ -Cùng là chợ dân sinh bán lẻ trong nội thành Hà Nội, nhưng giá hoa quả ở mỗi nơi có khi chênh nhau đến cả chục nghìn đồng. Người bán viện cớ “hoa quả loại 1, loại 2” để bắt chẹt khách hàng.
Hoa quả vào mùa: Mỗi chợ một giá ảnh 1

Thông tin kịp thời, công khai sẽ giúp giá cả thị trường ổn định hơn

Đắt vì là… hoa quả loại 1

Khoảng 1 tuần nay, vải thiều đã xuất hiện ở hầu hết các sạp hoa quả tại Hà Nội, nhưng giá bán lại khác nhau. Tại chợ Thành Công, vải thiều giá 65.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại chợ cóc ngõ 81 đường Lạc Long Quân, vải ngon loại 1 chỉ có 60.000 đồng/kg.

Thường xuyên mua hoa quả tại chợ cóc ngõ 81 đường Lạc Long Quân, chị Nguyễn Thị Thuận (nhà ở đường Hoàng Quốc Việt) cho biết: “Hoa quả mùa hè nhiều nhưng giá vẫn cao. Hôm trước vải thiều còn 65.000-70.000 đồng/kg, hai hôm nay mới giảm nhẹ. Thắc mắc với người bán hàng sao vải đắt thế, họ nói đây là vải loại 1, loại 2 rẻ hơn nhưng mã xấu và vị chua”.

Thực tế khảo sát thị trường cho thấy, thời điểm hiện tại, vải thiều tươi quả tròn đều, vỏ mỏng màu xanh pha hồng đều được được giới thiệu là vải loại 1. Vải sớm vị chua (thường gọi là tu hú), quả to, hạt to gần như không còn. Vải loại 2 cũng là loại quả tròn, nhỏ nhưng không tươi, thậm chí đã xuất hiện nốt thâm trên vỏ, có giá rẻ hơn. 

Không chỉ vải thiều mà nhiều loại hoa quả khác tại các chợ cũng đang được bán với giá rất chênh nhau. Chẳng hạn, quýt Sài Gòn tại chợ Thành Công giá chỉ 60.000 đồng/kg, nhưng tại chợ ngõ 81 đường Lạc Long Quân, quýt cùng loại lại lên tới 80.000 đồng/kg. Chôm chôm loại ngon tại chợ Trung Văn chỉ 45.000 đồng/kg, nhưng tại một số chợ lẻ khác, giá bán là 65.000 đồng/kg. Xoài đường quả to loại 2 quả/kg, có nơi bán 45.000 đồng/kg, có nơi bán đến 55.000 đồng/kg…

Bên cạnh việc viện cớ “hàng loại 1” để bán giá cao thì một số tiểu thương cũng lý giải, giá nhập và chi phí tại các chợ khác nhau. Càng các chợ gần trung tâm thành phố và nơi đông dân cư thì giá hàng hóa nói chung và hoa quả nói riêng càng cao, dẫn đến giá bán cao hơn. 

Điều tiết thị trường để giảm chênh lệch giá 

Mùa hè là thời điểm nhiều loại hoa quả vào vụ thu hoạch, nhưng giá hoa quả tại Hà Nội vẫn tương đối cao. Nếu không tính các loại quả đầu mùa giá cao như vải hay chôm chôm thì người tiêu dùng Hà Nội cũng ít khi được mua hoa quả giá phải chăng, chưa kể các loại hoa quả sạch cao cấp. Theo một chuyên gia thị trường, mấu chốt vấn đề ở chỗ, lưu thông qua quá nhiều trung gian, làm giá bị đẩy lên.

Tại hội nghị bàn các giải pháp tiêu thụ rau quả theo hướng bền vững vừa được Bộ Công Thương tổ chức, ông Trần Xuân Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: “Cần có biện pháp điều tiết thị trường hợp lý để người tiêu dùng trong nước được dùng hàng trong nước với giá phải chăng”. Ông Trần Xuân Hòa lấy ví dụ, nho tại Ninh Thuận được bán với giá 25.000-30.000 đồng/kg, nhưng khi đến người tiêu dùng Hà Nội, giá bị đẩy lên tới 70.000- 800.000 đồng/kg, gấp hơn 2 lần nơi sản xuất.

Mức chênh lệch như vậy là quá lớn, vừa làm giảm khả năng tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp ngay tại thị trường trong nước, vừa khiến người tiêu dùng không dùng được hàng Việt Nam. Đại diện Sở NN&PTNN tỉnh Tiền Giang (địa phương trồng nhiều hoa quả nhiệt đới) cho rằng, nên có cơ chế kết nối giữa địa phương có nông sản với các mạng Viettel, VNPT về thông tin giá cả thị trường, định hướng tiêu thụ, định kỳ 1 tuần/ lần, hoặc lâu hơn.

Trước đây, Tiền Giang đã phối hợp với nhà mạng để làm nhưng chưa hiệu quả. Nếu thông tin thông suốt, kịp thời, thì cả người sản xuất và người tiêu dùng đều hưởng lợi. Cảnh ùn tắc khi xuất hàng ở biên giới cũng không còn.