HIV không còn là bản "án tử" khi điều trị bằng thuốc ARV

ANTD.VN - Những năm trước đây, khi nhắc đến HIV nhiều người thường xua đuổi, xa lánh và được coi là “căn bệnh thế kỷ”. Bị HIV coi như đã mang sẵn trong mình một bản “án tử” và chỉ chờ ngày “đi”. Thế nhưng, ngày nay với sự phát triển của y học những người mang trong mình “căn bệnh thế kỷ” ấy có thể sống khỏe mạnh bình thường như bao người khác nhờ điều trị bằng thuốc ARV.

HIV từng được coi là “đại dịch”

Theo thông tin trên báo Dân trí, HIV/AIDS xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 90, dịch HIV/AIDS ước tính đã cướp đi sinh mạng của 2.000 người mỗi năm. Thông thường, khi xâm nhập vào cơ thể, HIV tấn công hệ thống miễn dịch khiến cơ thể dần dần bị suy yếu, dễ dàng bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Vào thời điểm đó, y học thế giới chưa nghiên cứu ra những loại thuốc dự phòng, điều trị HIV/AIDS hiệu quả nên tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS còn cao.

HIV không còn là bản "án tử" khi điều trị bằng thuốc ARV ảnh 1 

Hình ảnh tuyên truyền về HIV khiến nhiều người sợ hãi, xa lánh

Trước đây, các thông tin về HIV/AIDS, con đường lây nhiễm... cũng không được phổ biến rộng rãi và đầy đủ nên HIV bị hiểu lầm là có thể lây nhiễm dễ dàng qua giao tiếp thông thường hay sử dụng chung bát đũa và là một “bản án tử hình”, vô phương cứu chữa.

Mặt khác, truyền thông về HIV/AIDS giai đoạn trước thường lạm dụng những hình ảnh chết chóc hay hình ảnh những người lở loét toàn thân, gầy giơ xương khiến cộng đồng sợ hãi, kỳ thị.

Thuốc ARV – “cứu tinh” của những người bị HIV

Sự phát triển của y học đã giúp những người bị nhiễm HIV thoát khỏi “bản án tử” khi thuốc ARV ra đời. Điều trị bằng ARV sớm có thể làm giảm tỷ lệ bệnh tật và giảm tử vong ở người nhiễm HIV, giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ chuyển sang giai đoạn AIDS. Người điều trị bằng ARV liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ có thể phục hồi sức khoẻ, phục hồi khả năng lao động và làm việc tự nuôi sống bản thân, đóng góp cho kinh tế quốc gia.

HIV không còn là bản "án tử" khi điều trị bằng thuốc ARV ảnh 2 

Thuốc ARV mang đến niềm vui cho rất nhiều người bị nhiễm HIV

Theo thông tin trên báo Hà Nội mới, thuốc ARV được chứng minh giảm đến 96% nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục. Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai có HIV được điều trị dự phòng bằng ARV ở giai đoạn sớm và con của họ được dùng sữa ăn thay thế sữa mẹ, thì tỷ lệ lây nhiễm có thể dưới 2%.

Điều quan trọng là phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ việc tuân thủ phác đồ điều trị ARV của bệnh nhân cũng rất kém, nhất là những bệnh nhân nghiện ma túy. Có những bệnh nhân không duy trì điều trị ARV, nên việc theo dõi, chăm sóc và điều trị rất vất vả.

Không chỉ vậy, việc sử dụng ARV không thường xuyên, bỏ giữa chừng sẽ làm cho quá trình điều trị không hiệu quả. Khi bỏ thuốc, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng cơ hội, phải quay lại điều trị từ đầu, rất mất thời gian và sức khỏe của họ cũng bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện có 85% bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV được xét nghiệm tải lượng vi rút HIV; 80,9% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ lây HIV từ mẹ sang con thấp (0,7%)...

Dốc toàn lực để đẩy lùi đại dịch AIDS

Theo bà Kristan Schoultz, Giám đốc quốc gia Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam cho rằng, lúc này là thời điểm Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác phải quyết định dồn toàn lực để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Bà Kristan Schoultz nói: “Chúng ta chỉ có thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu khẩn trương thúc đẩy tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ dự phòng và chăm sóc điều trị HIV để không bỏ rơi bất cứ ai lại phía sau. Chúng ta chỉ có thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu mọi người nhiễm HIV và mọi người có nguy cơ lây nhiễm HIV đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội, mà không sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử ngay trong gia đình và cộng đồng của mình”.

HIV không còn là bản "án tử" khi điều trị bằng thuốc ARV ảnh 3 

Cấp phát thuốc miễn phí cho người nhiễm HIV

Còn theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS: “Vấn đề vừa nêu đang là một trong những rào cản trong việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 ở nước ta. Về điều trị ARV, chúng ta tiếp tục tăng số lượng bệnh nhân, thực hiện điều trị theo tiêu chuẩn mới, mở rộng điều trị trong trại giam, cấp phát thuốc ARV ở tuyến xã. Muốn đạt được tỷ lệ 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV thì sẽ phải điều trị cho 217.000 người, gấp đôi so với hiện nay”.

Bên cạnh con số 55% số người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV, Việt Nam cũng còn 22% số người nhiễm HIV chưa biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình. 25 năm qua, nước ta có hơn 20.000 người nhiễm HIV và hơn 80.000 người tử vong vì bệnh AIDS là một tổn thất lớn.

Điều này càng đòi hỏi các cơ quan chức năng và toàn xã hội tích cực hành động hơn nữa để đạt mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp Quốc đề ra, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như đã cam kết.

Việt Nam khi điều trị ARV cho người nhiễm HIV qua BHYT

Theo thông tin trên VTV, tại Việt Nam, từ tháng 1-2019, thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ được cung cấp qua bảo hiểm y tế. Do các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm đáng kể, nếu có thẻ bảo hiểm y tế sẽ giúp người có HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế, nhất là khi yêu cầu điều trị ARV phải liên tục và suốt đời.

HIV không còn là bản "án tử" khi điều trị bằng thuốc ARV ảnh 4 

Từ năm 2019, thuốc ARV cho bệnh nhân HIV sẽ được cung cấp qua BHYT

Hiện cả nước có hơn 200.000 bệnh nhân HIV/AIDS nhưng chỉ có khoảng 130.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV và 90% trong số này tham gia bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế đã hỗ trợ rất nhiều trong quá trình khám bệnh và điều trị những bệnh nhiễm trùng cơ hội khác.

Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh.

Cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…

Thuốc ARV là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch.