Hiu hắt ngành cơ khí nông nghiệp
(ANTĐ) - Cơ giới hóa, tăng cường đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp (NN) nhằm tăng năng suất, giảm lao động trong lĩnh vực NN là một trong những mục tiêu của nhiệm vụ CNH - HĐH cũng như mục tiêu phát triển nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Song, sau QĐ 497 của Chính phủ về hỗ trợ vay vốn mua máy móc NN cho nông dân, thực tiễn ngành cơ khí NN hiện nay cho thấy quá lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu.
Cơ khí nông nghiệp hiện còn yếu kém và lạc hậu |
Lạc hậu về công nghệ, nghèo nàn về chủng loại
Sau hơn 4 tháng triển khai hỗ trợ lãi suất mua máy móc thiết bị cho nông dân theo QĐ 497 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại cho thấy, tính đến hết tháng 8-2009, tổng dư nợ ước đạt 818,72 tỷ đồng. Song dù mức giải ngân tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm tháng 7 (303,364 tỷ đồng), nhưng việc triển khai QĐ này vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt đối với việc triển khai cho nông dân vay vốn mua sắm thiết bị máy móc, nông cụ sản xuất.
Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nông dân tỉnh Bạc Liêu đang thiếu trầm trọng máy móc, cơ giới hóa phục vụ sản xuất, nhất là các khâu sau thu hoạch lúa. Theo báo cáo của địa phương, việc triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định 131, 443 và 497 của Chính phủ tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp, có ngân hàng chưa giải ngân được vốn. Cụ thể, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh, là đơn vị chủ công trong việc thực hiện giải ngân theo Quyết định 497 nhưng đến thời điểm này mới giải ngân cho 3 khách hàng, với số tiền 190 triệu đồng...
Một trong những nguyên nhân khiến nông dân khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này để mua sắm máy móc NN là tỷ lệ máy móc NN nội địa quá ít ỏi và lạc hậu, công suất nhỏ, giá lại cao hơn so với một số chủng loại máy của nước ngoài. Trong khi, theo nhận định, nhu cầu máy móc NN hiện nay là rất lớn, chính vì khoảng trống này đã khiến máy móc NN nước ngoài có cơ hội tràn vào chiếm lĩnh thị trường.
Ông Chu Văn Thiện - Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch nhận định, mặc dù nhu cầu sử dụng máy móc phục vụ nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn, song, sản xuất máy NN, nông cụ lại chậm phát triển, lạc hậu, chủng loại máy móc nghèo nàn, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp hiện nay trên thị trường, chiếm đến 90% là máy nước ngoài, chỉ có khoảng 10% máy trong nước. “Máy sấy nông sản cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, nhưng cũng dừng lại ở mức độ đơn giản, tức sấy khô, nếu để đảm bảo chất lượng cao cho xuất khẩu thì chưa đạt. Khi máy móc trong nước không đáp ứng được nhu cầu thì nông dân bắt buộc phải mua máy móc nhập khẩu, như vậy, không thuộc phạm vi được vay vốn của Chính phủ theo QĐ 497” - ông Thiện chia sẻ.
Yếu kém do lợi nhuận thấp?
Theo ông Thiện, một trong những nguyên nhân khiến ngành cơ khí NN không phát triển kịp nhu cầu là do sản xuất máy móc NN lợi nhuận rất thấp, nên các DN đều không mặn mà, thậm chí có những DN dù tên là sản xuất máy nông cụ, song lại không hề sản xuất nhóm hàng này.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương bức xúc: “Máy móc phục vụ sản xuất NN hiện nay hầu hết là máy Trung Quốc bởi giá rẻ hơn. Không biết bao giờ nền cơ khí của chúng ta mới đáp ứng được. Hàng chục năm nay, Nhà nước cũng đã có không ít chương trình khuyến khích, nhưng ngành cơ khí NN không có bước tiến nào, nông dân vẫn phải tự chế tạo máy móc”.
Theo ông Xuân, QĐ 497 quy định rõ tỷ lệ nội địa của máy móc song nếu đi vào chi tiết thì luôn thiếu. Có những loại đã liệt kê rất chi tiết nhưng hàng trong nước không có, bởi vậy, cũng không được hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều máy móc gọi là sản xuất trong nước, nhưng lại là mua phụ tùng của nước ngoài để lắp ráp, nên tính tỷ lệ nội địa hóa thấp không đáp ứng được yêu cầu.
Nhu cầu về máy móc NN của Việt Nam hiện nay, theo đánh giá của ông Lê Phấn Hải - Phó trưởng phòng Thị trường và Kinh doanh, Tổng Công ty Máy động lực và Nông nghiệp (Veam) là rất lớn, đặc biệt những loại máy công suất lớn, công nghệ hiện đại nhưng sản xuất trong nước lại chưa đáp ứng được. “Nếu như trước kia, Veam có 12 đơn vị sản xuất cơ khí, trong đó có một số đơn vị đứng đầu về sản xuất máy móc NN như Công ty Phụ tùng số 1 (Sông Công, Thái Nguyên), nhưng đến nay, 8 đơn vị đã chuyển sang cổ phần hóa, phần sản xuất máy móc NN bị thu hẹp lại đáng kể. Do, sản xuất máy móc NN lợi nhuận không cao, nhiều DN đã chuyển sang sản xuất phụ tùng cho các hãng Honda, Toyota… Hơn nữa, các DN cũng không chú trọng đầu tư công nghệ, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho sản xuất máy móc NN cũng không nhiều. Điều này khiến máy móc NN trong nước sản xuất còn lạc hậu, công suất thấp, chủ yếu là máy nhỏ” - ông Hải phân tích.
Ngân Tuyền