Hiệu lực - hiệu quả

(ANTĐ) - Trong khi Chính phủ quyết tâm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận thì Quốc hội lại tỏ ra lưỡng lự. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng -An ninh Quốc hội cho biết: ”Dư luận chung trong Quốc hội đều đề nghị cần cân nhắc k‎ỹ vấn đề này”. Mặc dù Nghị quyết số 17 Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5 và Nghị quyết số 29 của Quốc hội đã quyết định thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, song qua thực tiễn, vấn đề nên hay không nên tổ chức HĐND cơ sở có khá nhiều ý kiến khác nhau.

Hiệu lực - hiệu quả

(ANTĐ) - Trong khi Chính phủ quyết tâm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận thì Quốc hội lại tỏ ra lưỡng lự. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng -An ninh Quốc hội cho biết: ”Dư luận chung trong Quốc hội đều đề nghị cần cân nhắc k‎ỹ vấn đề này”. Mặc dù Nghị quyết số 17 Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5 và Nghị quyết số 29 của Quốc hội đã quyết định thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, song qua thực tiễn, vấn đề nên hay không nên tổ chức HĐND cơ sở có khá nhiều ý kiến khác nhau.

Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND là gắn liền với công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chất lượng và mở rộng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông hiện đại” trong quản lý, điều hành, giải quyết các công việc, góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố đã tiết kiệm chi ngân sách được 85 tỷ đồng/năm, ngân sách huyện mỗi năm giảm được 370 triệu đồng, ngân sách quận giảm 445 triệu đồng, phường giảm 95 triệu đồng. Riêng tại TP.HCM, nguồn ngân sách chi cho tổ chức và hoạt độngcủa HĐND quận, huyện, phường đã giảm tới 30 tỷ đồng/năm.

Tiết kiệm được một đồng ngân sách cũng là quý, nhưng tiền không phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cho biết, thực hiện thí điểm đã đạt được 5 ưu điểm nổi bật. Đó là sự điều hành quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn huyện, quận, phường đã được thực hiện tốt hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nhiều mặt đạt được tốt hơn so với trước đây, đơn cử đơn tố cáo gửi đến UBND huyện, quận, phường trong năm thí điểm đã giảm hẳn, đặc biệt qua thí điểm đã bước đầu phân biệt về bộ máy, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền đô thị và nông thôn. Cụ thể, ở đô thị tổ chức HĐND theo mô hình một cấp nên đảm bảo sự tập trung, thống nhất, không bị chia cắt, phân tán trong quản lý đô thị. Hơn thế, việc không tổ chức HĐND cấp cơ sở không hề ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các ngành, các lĩnh vực đều có tốc độ tăng trưởng khá, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao từ đầu năm tại các khu vực thí điểm đều được hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Rõ ràng, những mặt được là không thể phủ nhận, song còn nhiều ý kiến băn khoăn. Sau thời gian thí điểm có nên tiếp tục tiến hành thực hiện không tổ chức HĐND cấp cơ sở hay không? Câu hỏi đặt ra phải được trả lời trên cơ sở khoa học, tổng kết thực tiễn! Vì sao phải có HĐND cấp cơ sở, vì sao không? Nếu bỏ đi thì thu được gì, mất gì? Mấu chốt ở đây là hiệu lực - hiệu quả của HĐND.

Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, nếu vẫn duy trì bộ máy có HĐND cấp huyện và thực sự đổi mới, thì chắc chắn HĐND cấp huyện sẽ thực sự là cơ quan quyền lực ở địa phương, quyền lực của dân sẽ được phát huy. Đương nhiên, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân sẽ được lắng nghe thấu đáo hơn. Vì vậy có ý kiến cán bộ địa phương kiến nghị không nên nóng vội đặt vấn đề bỏ hẳn HĐND cấp huyện. Mục tiêu bỏ HĐND cơ sở có phải vì tiết kiệm mấy tỷ đồng đâu. Ngược lại, nếu HĐND giám sát tốt thì có thể làm lợi cho dân, cho nước hàng tỷ đồng.

Xem xét ý kiến nhiều chiều, quả thật đều có cơ sở thực tiễn. Suy cho cùng, sở dĩ Chính phủ thí điểm bỏ HĐND cấp cơ sở chính là vì hoạt động kém hiệu lực và hiệu quả. Việc cân nhắc thận trọng để đi đến quyết định cuối cùng là rất cần thiết. Mục tiêu cải cách hành chính trong đó có bộ máy HĐND chính là hiệu lực - hiệu quả phục vụ nhân dân.

Đan Thanh