Hiểm họa từ thuốc diệt cỏ

ANTĐ - Dùng thuốc diệt cỏ đầu độc, quyên sinh bằng thuốc diệt cỏ... Đó là thực trạng đáng buồn xảy ra tại nhiều nơi trên tỉnh Hòa Bình trong vòng 2 năm qua. Từ loại thuốc phục vụ trong nông nghiệp để tăng gia sản xuất trồng trọt, nay nó bỗng trở thành nỗi ám ảnh của những người ở lại.

Đối tượng Ngọc và ngôi nhà nơi gây án cùng lọ thuốc diệt cỏ tang vật vụ án

Ám ảnh những vỏ chai in chữ “cỏ cháy”

Cái chết đầy bí ẩn của nạn nhân Quách Minh H (32 tuổi), trú tại Lương Sơn, Hòa Bình vào đầu tháng 3-2016 đã khiến cơ quan công an phải tìm hiểu về sự bất thường này. Chỉ đến khi chiếc vỏ chai thuốc diệt cỏ in chữ “cỏ cháy” được tìm thấy tại góc nhà của nạn nhân mọi sự việc mới vỡ nhẽ. Và kết luận cuối cùng dẫn đến cái chết của nạn nhân không phải do cảm khi say rượu như ban đầu người vợ khai báo mà do chính tay đối tượng đầu độc bằng thuốc diệt cỏ.

Khi bị Công an huyện Lương Sơn bắt giữ, Đàm Thị Ngọc (32 tuổi) là vợ của nạn nhân đã phải khai nhận về hành vi giết chồng bằng thuốc diệt cỏ. Xuất phát từ việc bực tức do chồng hay say rượu và hôm đó anh H trở về trong trạng thái “lướt khướt” nên Ngọc đã lấy chai thuốc diệt cỏ có sẵn trong nhà hòa vào cốc nước đường đưa cho anh H uống… 

Đó chỉ là một vụ trong hàng chục vụ án mạng các đối tượng đã sử dụng thuốc diệt cỏ để thực hiện hành vi đầu độc. Thật trớ trêu, mỗi khi người đàn ông, hay người phụ nữ chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, hoặc tức giận nhất thời, bế tắc trong cuộc sống họ sẵn sàng tìm đến thuốc diệt cỏ để… giải quyết thì đều để lại hậu quả to lớn cho người ở lại, đó là nỗi ảm ảnh cả cuộc đời.

Trong xóm núi Đồng Chanh, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, ai cũng bảo gia đình chị Nguyễn Thị Hạ là người may mắn khi có được một người chồng như anh Đinh Văn Nhu chịu thương chịu khó, yêu vợ thương con. Không những vậy, trong cuộc sống thường ngày, mỗi khi hàng xóm có công có việc anh Nhu luôn xắn tay vào giúp. Vậy nhưng, cả xóm, cả xã ai nấy đều bàng hoàng về việc anh Nhu tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ.

Chị Hạ kể lại trong nước mắt: “Hôm đó cũng như mọi khi, cả nhà cơm nước xong xuôi thì không thấy anh ấy đâu. Cứ nghĩ là anh ấy chạy sang nhà hàng xóm chơi, nhưng đợi mãi vẫn không thấy về. Linh tính mách bảo như có điều chẳng lành, khi mọi người trong nhà đi tìm thì phát hiện anh ấy đang nằm ở vườn, bên cạnh là vỏ chai thuốc diệt cỏ đã mở nắp còn miệng anh ấy thì nồng nặc mùi thuốc. Dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng anh ấy không qua khỏi”. 

Cũng với nỗi đau người ở lại, nhưng với bà Nguyễn Thị Hiếm, xóm Mè, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc có hoàn cảnh bi thương hơn. Vốn là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Bản thân bà Hiếm cũng thường xuyên đau yếu nên mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào tiền công làm thuê bấp bênh của người chồng là ông Đinh Văn Niến (SN 1959). Thế nhưng, nỗi đau đã ập đến vào ngày 14-2-2016, khi trụ cột của gia đình ấy cũng bất ngờ tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ để giải thoát sự bế tắc của nghèo khó. 

Theo thống kê sơ bộ của Công an huyện Đà Bắc, chỉ tính từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng chục trường hợp tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Hầu hết các trường hợp sau khi uống thuốc diệt cỏ đều tử vong. Trong đó, xã Tu Lý là một trong những địa phương có nhiều người tự tử bằng thuốc diệt cỏ nhất, chỉ trong thời gian ngắn đã có 8 trường hợp.

Về nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đau lòng trên, ông Nguyễn Văn Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Tu Lý, huyện Đà Bắc cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân. Có người do bế tắc trong cuộc sống, có người thì do giận dỗi người thân dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực tìm đến cái chết. Sau những vụ việc xảy ra, chúng tôi cũng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, coi đây là việc xấu, đáng lên án”.

Báo động việc quản lý thuốc diệt cỏ

Theo thống kê từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, chỉ trong 1 năm trở lại đây đã thực hiện cấp cứu gần 20 trường hợp bị ngộ độc bởi thuốc diệt cỏ, chủ yếu do uống nhầm và tự tử. Điển hình là bệnh nhân Bùi Văn Tuấn (18 tuổi), trú tại huyện Cao Phong, khi đi làm về đã uống nhầm phải chai thuốc diệt cỏ, nhưng rất may được kịp thời cứu chữa. Tương tự là trường hợp cháu Lý Hùng Kiệt, trú tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, khi thấy chai thuốc diệt cỏ liền ngửa cổ uống nhưng cũng được cứu chữa kịp thời. 

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật  tỉnh Hòa Bình cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng loại thuốc diệt cỏ Paraquat để phục vụ công tác sản xuất nông nghiệp, trồng trọt. Có nhiều loại thuốc diệt cỏ bày bán trên thị trường và loại nào cũng đều có hàm lượng độc tố nhất định…”. Nhưng đáng lo ngại, chính là việc mua thuốc diệt cỏ đã dễ dàng, nhưng việc quản lý cũng bị lỏng lẻo. Do là thuốc bảo vệ thực vật nên cơ quan quản lý chỉ khuyến cáo và hướng dẫn cách sử dụng chứ không cấm người dân sử dụng được. 

Điều nguy hiểm nhất, theo ông Nguyễn Hồng Yến là cách sử dụng của người dân, họ không đọc hướng dẫn in trên vỏ hộp mà tự ý làm theo cách của mình nên đã để lại hậu quả đáng tiếc. Thực tế hiện nay, khi mua về, người dân thường vứt vương vãi ở góc nhà, trong gầm chạn, hoặc góc vườn... Nhiều gia đình có trẻ nhỏ, khi thấy chai lọ đựng nước, không phân biệt được có độc hay không nên cầm uống như… uống nước. Trở lại vụ ngộ độc của bệnh nhân Bùi Văn Tuấn, trú tại huyện Cao Phong, người nhà cho biết pha chế thuốc diệt cỏ vào vỏ chai nước ngọt để đi phun cỏ trên nương nhưng không sử dụng hết đã mang về để ngay chân bàn uống nước. 

Theo tài liệu quản lý của cơ quan công an, hiện toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng gần 200 cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù đây là mặt hàng thuộc nhóm đặc biệt, người bán phải có chứng chỉ hành nghề. Đồng thời hàng năm phải được tập huấn, cách thức hướng dẫn người nông dân sử dụng thuốc. Nhưng trên thực tế, cả người bán và người mua vẫn chưa tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng lúc.

Nếu không sử dụng đúng, thuốc gây ra tác hại cho người, cây trồng, sinh vật có ích, môi trường sống. Cơ quan quản lý thuốc bảo vệ thực vật cũng cảnh báo: Người dân không nên tích trữ nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ trong nhà và thuốc phải được bảo quản nơi khô ráo, an toàn, ngoài tầm với trẻ em. Tuyệt đối không vứt vỏ chai, lọ tại vườn bãi mà phải gom nhặt tiêu hủy hoặc chôn cách xa khu dân cư, nguồn nước.

Theo bác sĩ Tạ Huy Kiên, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, thuốc diệt cỏ Paraquat nếu nhỏ lên da người có thể gây hoại tử vì vùng da, cơ đó bị “cháy”. Điểm đặc biệt của hóa chất này là tác dụng trực tiếp tới phổi gây tổn thương phổi, làm xơ phổi, khiến bệnh nhân tử vong.

Đối với thuốc diệt cỏ Paraquat, nếu uống hóa chất nguyên bản, không pha loãng chỉ cần 1 ngụm nhỏ (khoảng 12-15ml) người khỏe mạnh cũng đã tử vong. Nhiều trường hợp tử vong chỉ vài giờ sau khi uống hóa chất này, có trường hợp bệnh nhân được điều trị tỉnh táo nhưng khoảng 5-7 ngày sau, lượng ôxy máu giảm dần rồi suy hô hấp và tử vong.