Hàng loạt cây chết khô không được chặt hạ:
Hiểm họa lơ lửng
(ANTĐ) - Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội có trách nhiệm chăm sóc, quản lý hơn 40 nghìn cây xanh trên địa bàn thành phố. Đây chính là “lá phổi xanh” góp phần điều hòa không khí và tạo cảnh quan môi trường Thủ đô. Tuy nhiên, những hành vi xâm hại của con người, do sâu mục và thời tiết khắc nghiệt đã dẫn đến cái chết của hàng loạt cây xanh.
Hiểm họa ngay trên đầu
Nhiều tuyến đường phố của Hà Nội, khi nhắc đến tên đã làm người ta nghĩ ngay tới một loài cây đặc trưng: Phố Phan Đình Phùng là hàng đôi cây sấu, phố Lò Đúc là dãy sao đen cổ thụ, Nguyễn Du là phố của cây sữa... các tuyến phố mới thì lại được trồng những loại cây nhanh phát triển, tán rộng, lá dày như: keo, muồng, bằng lăng...
Tiến hành hạ cây chết đầu mùa mưa bão. |
Vỉa hè đường Cầu Giấy, Xuân Thủy được trồng chủ yếu là cây muồng, keo. Thời gian gần đây hiện tượng cây chết khô trên hai tuyến đường đã lên đến hàng chục cây. Những cây chết khô này có đường kính trung bình là 25cm và chiều cao cũng hơn 10m.
Bác Lê Văn Thực - Tổ trưởng Tổ dân phố 39, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho biết: Từ sau đợt rét đậm rét hại cuối năm 2007, trên tuyến đường Cầu Giấy có đến 16 cây, chủ yếu là cây muồng và một vài cây keo có hiện tượng vàng và trút lá, lớp vỏ cây bong tróc, cành tán khô xác. Qua hơn một tháng thì những cây này chết khô. Chúng tôi đã phản ánh việc cây chết này đến UBND phường Dịch Vọng và Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội. Nhưng, từ đầu mùa mưa bão năm 2008 đến nay, vẫn chưa thấy số cây chết khô này được chặt hạ. Những ngày gần đây, có mưa to kèm theo gió mạnh bất thường. Chúng tôi chỉ lo nếu không may, một trong những cây chết khô này không “trụ vững”, thì không thể lường hết được hậu quả gây ra đối với người tham gia giao thông.
Một số tuyến đường khác trên địa bàn Thủ đô
Hàng chục cây chết khô, chưa được chặt hạ như cái bẫy có thể đổ ập xuống đầu người tham gia giao thông bất cứ khi nào. |
cũng có tình trạng cây chết khô đã lâu mà chưa được chặt hạ như: Trước cổng Đại học Dược Hà Nội, một cây xà cừ có đường kính hơn 80cm, cao ngang tòa nhà 4 tầng, đã chết khô hơn 1 năm, vỏ bong tróc, cành nhánh có thể gãy rơi xuống đường bất cứ lúc nào.
Trên vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ, đoạn giữa phố Nguyễn Cảnh Chân và đường Hùng Vương, một cây xà cừ cũng chết khô gần 1 năm nay, đường kính của cây là 60cm, nghiêng hẳn ra đường. Đường Yên Phụ - Cửa Bắc, phố Nguyễn Khắc Nhu, trước cổng chợ Thượng Đình đường Nguyễn Trãi cũng có những cây xà cừ to chết khô đã lâu. Người tham gia giao thông trên các tuyến đường phố này rất sợ tai họa “từ trên trời” bất ngờ ập xuống đầu.
Nhanh nhất - 1 tuần chặt 1 cây chết
Trước thực trạng cây chết khô như đã nêu ở trên ông Cao Quang Đại - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết: “Trước mùa mưa bão năm 2008 công ty đã tiến hành cắt sửa cây nặng tán, cành khô cành xòa, số lượng lên đến 2420 cây các loại. Chặt hạ 220 cây chết, 196 cây sâu mục, cây nghiêng, chặt hạ 121 cây đổ do nhiều nguyên nhân khác nhau... Còn việc chặt hạ cây chết lại là việc hoàn toàn khác.
Bao giờ cây xà cừ chết khô này được chặt hạ?. |
Khi phát hiện cây chết, hoặc được người dân thông báo, công ty sẽ tiến hành kiểm tra xem cây đã chết “thật” chưa hay chỉ đang thay lá. Sau đó, làm công văn báo cáo về Sở GTVT. Căn cứ trên báo cáo này, Sở GTVT lập Tổ chuyên gia để khảo sát, kiểm tra thực trạng của cây, có xác nhận của UBND phường sở tại. Từ kết luận của tổ chuyên gia, Sở GTVT mới cấp giấy phép chặt hạ cây, và theo quy định quá trình cấp phép là 1 tuần.
Đó là những trường hợp đã rõ nguyên nhân chết của cây. Còn những cây chết chưa rõ nguyên nhân và có dấu hiệu bị xâm hại như: đổ hóa chất vào gốc cây, gốc cây bị bịt xi măng, cây bị đốt... chúng tôi chỉ được phép cắt tỉa toàn bộ cành, còn phần thân và gốc phải để nguyên phục vụ công tác điều tra của Thanh tra GTVT. Cũng có những trường hợp chưa thể chặt hạ ngay được, bởi phần ngọn cây đã chết, nhưng phần thân cây lại đang nảy mầm mới, nên chúng tôi tiếp tục chăm sóc để cây hồi phục, chứ không thể chặt hạ”.
Cho tới thời điểm này, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội đã nhận được giấy phép chặt hạ cây đã chết khô trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh – Phạm Huy Thông; phố Lê Duẩn, phố Phan Chu Trinh; phố Nam Tràng, phố Nguyễn Khắc Nhu, phố Cửa Bắc. Công ty sẽ ưu tiên chặt hạ cây chết khô trên tuyến phố Xuân Thủy - Cầu Giấy trước. Toàn bộ số cây được chặt hạ trên hai tuyến đường là 22 cây, trong đó có 8 cây keo và 14 cây muồng. Sau khi chặt hạ, công ty sẽ tiến hành trồng ngay cây mới để thay thế.
Qua thực trạng cây chết khô quá lâu mới xin được giấy phép chặt hạ, các cơ quan chức năng cần xem xét, rút ngắn quá trình khảo sát, kiểm tra thực tế cây chết để ra quyết định chặt hạ cây. Bởi trong mùa mưa bão, nhiều cây đang sống, rễ bám sâu trong lòng đất còn bị quật đổ, huống chi là những cây đã chết khô, thân mục ruỗng, rễ đã thối... thì mức độ gây nguy hiểm đến tính mạng người dân và làm ách tắc giao thông còn khó lường đến đâu!?
Việt Anh